Năm 2016, nhận thấy môi trường giáo dục truyền thống với phương pháp dạy bằng lời nói không phù hợp với con em mình, một nhóm phụ huynh có con là trẻ khiếm thính đã cùng các giáo viên khiếm thính xây dựng Lớp học C5, tiền thân của Trung tâm ngày nay. Với phương châm “vì trẻ điếc, bởi trẻ điếc”, đây là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam có 100% giáo viên là người khiếm thính và giảng dạy hoàn toàn bằng ngôn ngữ ký hiệu. Thầy Phạm Anh Duy, Giám đốc Trung tâm giải thích: “Giống như một đứa bé học ngôn ngữ một cách tự nhiên từ cha mẹ và những người trong gia đình, ngôn ngữ ký hiệu như ngôn ngữ "mẹ đẻ" của trẻ khiếm thính. Nếu các em được học hoàn toàn bằng ngôn ngữ ký hiệu do chính giáo viên khiếm thính giảng dạy thì kiến thức sẽ được truyền đạt một cách chính xác và hiệu quả hơn”.

Thầy Phạm Anh Duy dạy học sinh khiếm thính những kiến thức về an toàn cá nhân để các em học cách tự bảo vệ bản thân. Ảnh: ANH THƠ

Chương trình cũng được tinh giản, tập trung vào những môn học cốt lõi và phù hợp với khả năng tiếp thu của trẻ. Các môn học đòi hỏi thính giác được lược bỏ, thay vào đó là sự chú trọng với những môn như Toán, Tiếng Việt, cùng với việc tổ chức các lớp kỹ năng sống thiết thực. Giáo án được các thầy cô tự biên soạn, kết hợp sáng tạo giữa hình ảnh trực quan, video sinh động và những hoạt động tương tác, giúp các em dễ dàng hình dung và nắm bắt nội dung bài học. Em Phan Thanh Sơn, đến từ xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, đã gắn bó với mái nhà C5 suốt 4 năm qua, bày tỏ: “Ở đây, giáo viên đều là người khiếm thính giống em nên thầy cô bảo gì em cũng hiểu rất nhanh. Em mong Trung tâm sẽ phát triển thêm nhiều cấp học nữa để em có thể tiếp tục được học lên cao hơn”. 

Trải qua 9 năm hoạt động với 3 khóa học sinh trưởng thành, hành trình chắp cánh ước mơ cho những em nhỏ tại Trung tâm C5 vẫn còn nhiều chông gai. Trung tâm đang phải đối mặt với những khó khăn do thiếu cơ sở vật chất và nguồn kinh phí eo hẹp. “Chúng tôi khao khát sự hỗ trợ để mở rộng không gian học tập, tạo điều kiện tốt hơn cho các em”, thầy Phạm Anh Duy trăn trở. Trên hết, điều Trung tâm mong mỏi hơn cả là ngôn ngữ ký hiệu sẽ sớm được công nhận như một ngôn ngữ chính thức trong hệ thống giáo dục và luật pháp, giúp trẻ khiếm thính có cơ hội tiếp cận giáo dục bậc cao và hòa nhập xã hội một cách bình đẳng. 

THÚY HIỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.