Theo The Korea Herald, Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung đã cam kết đầu tư 100 nghìn tỷ won (72,5 tỷ USD) để thúc đẩy ngành công nghiệp AI phát triển. Ông Lee Jae Myung đã bổ nhiệm ông Ha Jung Woo, nhà nghiên cứu AI làm việc tại Tập đoàn công nghệ Naver (Hàn Quốc), làm Trợ lý cấp cao của Tổng thống về chính sách AI. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc có vị trí này. Bên cạnh kế hoạch về cơ sở hạ tầng như xây dựng một trung tâm dữ liệu AI lớn tại thành phố Ulsan do SK Group và Amazon Web Services đồng tài trợ, cam kết đầu tư của Tổng thống Lee Jae Myung đang báo hiệu nỗ lực nghiêm túc của Chính phủ Hàn Quốc nhằm tăng tốc trong cuộc đua AI toàn cầu.

Nhân tài AI có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển lĩnh vực này của mỗi quốc gia (ảnh minh họa). Ảnh: Getty Images 

Tuy nhiên, việc đặt ra mục tiêu lớn và ngân sách hào phóng không thể tạo nên một cường quốc AI. Nếu không có đội ngũ nhân tài phù hợp với tầm nhìn của mình, Hàn Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chiến lược phát triển công nghệ AI.

Trên thực tế, Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám” về AI khi những bộ óc sáng tạo rời khỏi đất nước. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), Hàn Quốc xếp thứ 35 trong số 38 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về khả năng giữ chân nhân tài AI. Tính đến năm 2024, cứ 10.000 cư dân thì có 0,36 chuyên gia AI rời khỏi nước này. Trong khi đó, Luxembourg tăng 8,92 chuyên gia, Đức tăng 2,34 và Mỹ tăng 1,07 trên 10.000 cư dân.

Tình trạng “thâm hụt chất xám” ngày càng gia tăng đe dọa đến nền tảng của chiến lược phát triển AI của Chính phủ Hàn Quốc. Xu hướng này không chỉ giới hạn ở lĩnh vực AI. Trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, ngày càng nhiều chuyên gia Hàn Quốc tìm kiếm sự nghiệp ở nước ngoài, trong khi ít chuyên gia nước ngoài chọn chuyển đến Hàn Quốc.

Nghiên cứu của KCCI cho thấy, vấn đề không chỉ đơn thuần ở mức thu nhập. Các nhà khoa học và kỹ sư trẻ Hàn Quốc bị thu hút bởi các quốc gia mà sự thăng tiến dựa trên năng lực chứ không phải thâm niên. Họ muốn có môi trường làm việc linh hoạt, cơ sở hạ tầng nghiên cứu tiên tiến và sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi triển khai ý tưởng. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu trẻ duy trì thời gian làm việc theo quy định tuần làm việc 52 giờ, lương theo thâm niên. Những yếu tố này được cho là đang cản trở khả năng thu hút và giữ chân nhân tài của Hàn Quốc.

Mỗi sinh viên tốt nghiệp đại học rời đi làm việc ở nước ngoài đồng nghĩa với việc Hàn Quốc mất hơn 550 triệu won tiền đầu tư công và thu thuế trong tương lai. Thiệt hại dài hạn thậm chí còn lớn hơn. Khi lực lượng lao động khoa học bị xói mòn, những đổi mới mà Hàn Quốc hy vọng sẽ định hình tương lai kinh tế của mình có thể bị đình trệ.

Khoản đầu tư của Chính phủ Hàn Quốc vào cơ sở hạ tầng AI là một bước đi cần thiết. Bên cạnh đó, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng “chảy máu chất xám” về AI và thu hút nhân tài trong lĩnh vực này cũng là một vấn đề cấp bách. Theo dự báo của KCCI, đến cuối năm 2025, Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt gần 15.000 chuyên gia AI.

Các chuyên gia trong ngành khuyến cáo rằng nhiệm vụ trước mắt của Hàn Quốc trong phát triển AI không chỉ là làm chậm dòng chảy “chất xám” ra nước ngoài mà còn phải có một chiến lược thu hút nhân tài toàn diện, bao gồm các quy định về luật lao động linh hoạt hơn, các mức thưởng dựa trên hiệu suất và hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nghiên cứu và đổi mới. Bên cạnh đó, cần tạo ra động lực để các chuyên gia nước ngoài đến và ở lại Hàn Quốc thông qua việc đưa ra các lợi ích về thuế, hỗ trợ về nhà ở và giáo dục cho con cái của họ...

Nhìn chung, Hàn Quốc có nguồn lực tài chính, quyết tâm chính trị và cả nền tảng công nghệ để dẫn đầu về AI. Tuy nhiên, thành công không chỉ phụ thuộc vào số tiền đầu tư mà còn phụ thuộc phần lớn vào khả năng bồi dưỡng và giữ chân nhân tài.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.