Bởi, theo nhận định của một số chuyên gia, sự xuất hiện của biến thể Omicron có khi lại mở ra hy vọng khả năng chấm dứt đại dịch Covid-19.

Theo công bố ngày 5-12 của Bộ Y tế Ấn Độ, chỉ trong vòng 24 giờ qua, số ca tử vong do Covid-19 ở nước này tăng mạnh lên gần 2.800 ca sau khi thường xuyên dao động quanh mức 400 ca những ngày trước đó. Ngoài ra, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm gần 8.900 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này lên hơn 34.633.250 ca.

Hành khách tập trung gần một điểm xét nghiệm Covid-19 ở sân bay London Heathrow (Anh). Ảnh: EPA

 

Tại Pháp, dù hàng triệu người dân đã được tiêm mũi vaccine tăng cường nhưng số ca nhiễm mới cũng đang ngày một gia tăng. Cụ thể, chỉ trong vòng 24 giờ, Pháp ghi nhận thêm 51.624 ca nhiễm, trong đó 694 ca phải nhập viện, 119 ca trong tình trạng nguy kịch và 113 ca tử vong. Đến nay, tại Pháp đã có tổng cộng hơn 119.450 người thiệt mạng do Covid-19.

Còn tại Hàn Quốc, trong hai ngày qua, nước này liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức hơn 5.000 ca/ngày. Hiện xứ sở kim chi cũng đã phát hiện 12 trường hợp nhiễm Omicron-biến thể được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến chủng đáng lo ngại. Tính đến nay có hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron, trong khi giới khoa học chưa có dữ liệu chắc chắn về khả năng lây lan và mức độ né tránh kháng thể của biến thể này.

Tuy nhiên, bên cạnh lo ngại về số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao và sự xuất hiện của biến thể Omicron, các chuyên gia y tế cũng đưa ra những nhận định đầy lạc quan. Hãng tin TASS dẫn lời ông Vladimir Nikoforov, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Cơ quan Sinh học y tế Liên bang Nga cho rằng, sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể là dấu hiệu đầu tiên dự báo đại dịch bước vào giai đoạn kết thúc hoặc mở ra tương lai con người có thể “chung sống hòa bình” với virus SARS-CoV-2.

Chuyên gia này nhận định, biến thể Omicron dễ lây nhiễm hơn biến thể Delta, song cũng có dữ liệu gợi ý rằng Omicron gây ra triệu chứng nhẹ hơn, đồng nghĩa với việc không gây tổn thương nặng ở phổi của những người bị nhiễm. Ông Nikoforov nói: “Tôi cho rằng đây có thể là sự khởi đầu cho đoạn kết của cơn ác mộng. Tôi thật sự muốn lạc quan: Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy virus bắt đầu thoái lui dần". Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng biến thể Omicron có thể dẫn virus SARS-CoV-2 đi theo hướng trở thành căn bệnh đường hô hấp theo mùa trong tương lai.

Tương tự, các nhà nghiên cứu Mỹ cũng nhận định biến thể Omicron dễ lây hơn, nhưng chỉ gây bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Dĩ nhiên, đó chỉ là những đánh giá ban đầu. Tờ The Guardian (Anh) nhấn mạnh, tới nay các dữ liệu về Omicron vẫn chưa đầy đủ và chưa thể đưa ra kết luận chính xác về đặc điểm của biến thể này.

Trong khi đó, WHO mới đây tuyên bố sẽ cần thêm vài tuần để tìm hiểu 3 vấn đề, bao gồm: Mức độ lây nhiễm, mức độ gây bệnh và hiệu quả của vaccine đối với biến thể Omicron. Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan nêu rõ: "Chúng tôi sẽ có câu trả lời cho mọi người".

Trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid mới đây nhấn mạnh rằng, vaccine vẫn là "hàng rào phòng vệ đầu tiên", đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm mũi vaccine tăng cường khi đủ điều kiện.

ANH VŨ