Danh mục 12 sản phẩm nhựa cần loại bỏ được thông qua bao gồm thìa, ống hút tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, quán ăn; bàn chải đánh răng, lược, dao cạo tại nhà nghỉ, khách sạn; mắc áo, túi bọc áo vest tại tiệm giặt là...

Quy định được thực hiện đối với các cửa hàng, cơ sở lưu trú thải ra môi trường khối lượng rác từ những mặt hàng này là trên 5 tấn/năm và áp dụng nghĩa vụ hợp tác đối với những nơi có mức rác thải thấp hơn. 

 Các cửa hàng bán lẻ ở Nhật Bản áp dụng tính phí túi ni lông. Ảnh: Asahi Shimbun

Mặt khác, chính quyền Tokyo cũng khuyến khích các phương án hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa như chuyển đổi nguyên liệu sản xuất, tính phí sản phẩm hoặc hoàn trả điểm thưởng cho khách hàng từ chối dùng đồ nhựa. Nếu không tuân thủ hay đưa ra biện pháp đầy đủ, các cơ sở có thể bị cảnh cáo hoặc phạt hành chính.

“Việc cắt giảm đồ nhựa sử dụng một lần ngày càng phổ biến trên thế giới. Quy định mới sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yamaguchi Tsuyoshi nhấn mạnh.

Những năm qua, Nhật Bản là một trong những quốc gia đẩy mạnh giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Từ tháng 7-2020, tất cả cửa hàng bán lẻ tại xứ sở mặt trời mọc phải áp dụng chính sách tính phí túi ni lông vốn trước đó được cung cấp cho khách hàng. Giữa năm ngoái, Quốc hội nước này cũng thông qua dự luật thúc đẩy việc giảm rác thải nhựa và tăng cường tái chế sản phẩm nhựa.

TÙNG QUÂN