Nếu như ở nhiều quốc gia khác, người dân không có nhà để ở thì tại Nhật Bản, tình trạng dân số già hóa và sụt giảm đã dẫn tới hàng triệu căn nhà bị bỏ hoang, cho không ai lấy, bán không ai mua.

Theo tờ Nikkei Asia, kết quả cuộc khảo sát về nhà ở và đất đai do Chính phủ Nhật Bản tiến hành vào năm 2018 cho thấy, tổng số nhà ở bị bỏ hoang của nước này lên tới 8,5 triệu căn, chiếm 14% tổng nguồn cung nhà ở của cả nước. Viện Nghiên cứu Nomura thậm chí còn đưa ra con số cao hơn là 11 triệu căn, đồng thời dự báo số nhà bị bỏ hoang sẽ tiếp tục tăng và chẳng bao lâu nữa có thể vượt quá 30% tổng số nhà ở tại xứ sở mặt trời mọc trong bối cảnh dân số nước này ngày càng ít đi.

leftcenterrightdel

 Chính quyền địa phương dỡ bỏ một ngôi nhà bị bỏ hoang ở thành phố Nabari, thuộc tỉnh Mie, Nhật Bản. Ảnh: Yomiuri Shimbun

Hầu hết căn nhà bị bỏ hoang, hay còn gọi là akiya, nằm ở các vùng nông thôn vắng vẻ của Nhật Bản. Chủ nhân của chúng hoặc đã chết mà không có người thừa kế, hoặc đã già yếu và chuyển tới đô thị đông đúc để sống cùng con cái, người thân. Những căn nhà kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí có căn cho không cũng chẳng ai lấy. “Từ một khía cạnh nào đó, có thể hiểu rằng nhà bị bỏ hoang là vấn đề chỉ có ở Nhật Bản”, một đại diện của công ty mua bán nhà ở Katitas (có trụ sở tại Tokyo) chia sẻ.

Khó khăn đặt ra với các địa phương của Nhật Bản hiện nay là làm sao quản lý được những căn nhà akiya. Chính phủ Nhật Bản lo ngại rằng nếu vắng bóng người ở quá lâu và bị mục nát, những căn nhà này có thể gây ra các vấn đề về an ninh và vệ sinh môi trường. "Số nhà bị bỏ hoang sẽ còn tăng cao hơn nữa, chúng có thể gây ra nhiều vấn đề về an ninh và môi trường. Chúng ta cần khẩn trương tìm biện pháp đối phó", Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Saito Tetsuo nêu rõ.

Ngoài ra, việc thị trường nhà ở có sẵn hoạt động kém hiệu quả cũng là nguyên nhân dẫn tới ngày càng có thêm nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang ở Nhật Bản. Thống kê cho thấy, năm 2018, số lượng nhà có sẵn được giao dịch chỉ chiếm 15% tổng số vụ mua bán nhà tại nước này.

Một trong những giải pháp mà Chính phủ Nhật Bản đang xem xét nhằm “giải cứu” những ngôi nhà bị bỏ hoang đó là đánh thuế bất động sản cao hơn đối với chủ sở hữu chúng. Cụ thể, những người bỏ hoang nhà ở có thể phải chịu thuế bất động sản cao gấp 6 lần so với mức thông thường. Điển hình như tại Kyoto, dự kiến từ năm 2026, chính quyền thành phố này sẽ áp thuế 0,7% giá trị của những căn nhà không được sử dụng thường xuyên, trong đó có nhà bị bỏ hoang và nhà dành cho các dịp nghỉ lễ. Một quan chức thành phố Kyoto nói rằng biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo thêm nguồn cung cho thị trường nhà ở và thúc đẩy việc sử dụng các ngôi nhà trống ở địa phương.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về bất động sản, trong đó có ông Nagashima Osamu, hiện đang làm việc tại Tokyo, lại cho rằng việc đánh thuế bất động sản cao hơn sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề, đồng thời tỏ ra hoài nghi về hiệu quả lâu dài mà biện pháp này mang lại. Chuyên gia Osamu lý giải rằng, vấn đề sẽ tiếp tục tồn tại nếu số lượng nhà xây mới nhiều hơn số nhà bị bỏ hoang đang tìm chủ mới.

Tín hiệu lạc quan là thời gian gần đây đã có thêm khách hàng tìm mua những ngôi nhà akiya ở Nhật Bản, đặc biệt là những căn nhà nằm ở vị trí đẹp, hấp dẫn. Thông qua những website với tên gọi chung là “Ngân hàng akiya”, nhiều căn nhà bị bỏ hoang đã được bán với giá dao động từ 0 đến khoảng 25.000USD. Đối tượng khách hàng quan tâm tới những căn nhà akiya khá đa dạng, trong đó người Mỹ được coi là chiếm số đông. Hiện nay, nhiều địa phương ở Nhật Bản cũng đang liệt kê danh sách những ngôi nhà bị bỏ hoang để tìm cách bán hoặc cho thuê.

TRUNG DŨNG