Theo trang phân tích The Strategist của Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI)-một tổ chức tư vấn độc lập, phi đảng phái có trụ sở tại Canberra, năm 2024 khởi đầu bằng làn sóng dự đoán về hành trình phát triển của AI từ lạc quan cho đến thận trọng. Tuy nhiên, tất cả đều thừa nhận sự thật rằng, AI đã và đang tái định hình những trải nghiệm của con người.

Không thể phủ nhận việc ứng dụng công nghệ AI vào đời sống mang lại nhiều lợi ích cho con người. Tuy nhiên, AI cũng tạo ra các mối đe dọa đến xã hội. Do đó, cần sử dụng AI có trách nhiệm nhằm mang lại một tương lai công bằng, lấy con người làm trung tâm. Điều đó đòi hỏi các giải pháp đổi mới và toàn diện.

 Trước tiên, việc đưa ra các quy định về AI vẫn là ưu tiên hàng đầu trên toàn cầu. Với quan điểm ủng hộ sử dụng AI có trách nhiệm, từ Liên minh châu Âu (EU) đến Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành những quy định về AI dựa trên nguyên tắc công bằng, công lý và dân chủ. Với Đạo luật về AI, các nhà hoạch định chính sách EU cam kết phát triển cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm đối với AI để bảo đảm rằng người dân khu vực này có thể hưởng lợi từ các công nghệ mới. Trong khi đó, hồi tháng 10-2023, nhà lãnh đạo Mỹ Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro mà AI có thể gây ra, thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia AI có đạo đức trên thế giới. Bằng cách mở rộng phạm vi các sáng kiến như Lực lượng đặc nhiệm tài nguyên nghiên cứu AI quốc gia được thành lập dựa trên Đạo luật Sáng kiến AI năm 2020 của Mỹ, các khuôn khổ quản trị toàn diện toàn cầu có thể định hình sự phát triển của AI trong năm 2024.

leftcenterrightdel

Việc AI ngày càng phát triển mạnh mẽ tác động lớn đến đời sống con người. Ảnh: Getty Images 

Chính phủ các nước cũng cần tập trung vào vấn đề điều chỉnh nội dung do AI tạo ra cũng như trao quyền cho các nhà hoạch định chính sách và công dân, nhằm ứng phó với các mối đe dọa do AI gây ra. Trong bối cảnh nhiều quốc gia chuẩn bị tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay, việc ngăn chặn tình trạng tán phát thông tin sai lệch đòi hỏi các biện pháp chủ động. Đó có thể là các sáng kiến nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy hiểu biết về truyền thông trên diện rộng ở các nhóm tuổi khác nhau, giải quyết tình trạng phân cực bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng cảm và học hỏi lẫn nhau.

Các cuộc tranh luận về ý nghĩa của việc “lấy con người làm trung tâm” và những giá trị nào sẽ định hướng cho xã hội sẽ là yếu tố định hình quan hệ giữa con người và AI. Những khuyến nghị của các tổ chức như “Khuyến nghị về đạo đức của AI” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công bố hồi năm 2021 có thể cung cấp những hướng dẫn rất cần thiết. Bằng cách tập trung vào các giá trị chung như tính đa dạng, tính toàn diện và hòa bình, các nhà hoạch định chính sách và các nhà công nghệ có thể phác thảo những nguyên tắc thiết kế, phát triển và triển khai các công cụ AI toàn diện. Việc tích hợp các giá trị này vào chiến lược phát triển AI đòi hỏi phải có sự tham gia của cộng đồng và các cam kết kiên định về sự công bằng và nhân quyền.

Khi AI ngày càng trở nên phổ biến như internet, các nước cần học hỏi từ những thành công và thất bại của cuộc cách mạng kỹ thuật số. Việc chỉ đi theo con đường hiện tại có nguy cơ kéo dài, thậm chí làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu-nghèo toàn cầu và khiến các cộng đồng dễ bị tổn thương trên toàn thế giới trở nên tách biệt hơn nữa.

Tuy nhiên, theo The Strategist, bằng cách tái khẳng định cam kết về công lý, công bằng và phẩm giá, thế giới có thể thiết lập một khuôn khổ toàn cầu mới cho phép mọi cá nhân gặt hái được thành quả từ đổi mới công nghệ. Thế giới cần tận dụng năm 2024 để thúc đẩy một tương lai, trong đó, AI tạo ra sự thịnh vượng cho tất cả mọi người.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.