Theo The New York Times, những thông tin chi tiết về nỗ lực của Lầu Năm Góc vẫn được giữ bí mật, song các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận, kế hoạch này phản ánh sự thay đổi lớn trong hoạt động quân sự, khi không gian cũng dần trở thành một chiến trường. Mỹ sẽ không chỉ dựa vào các vệ tinh quân sự để liên lạc, điều hướng, theo dõi và nhắm mục tiêu vào các mối đe dọa trên mặt đất, những công cụ mà trong nhiều thập kỷ đã mang lại cho Lầu Năm Góc một lợi thế lớn trong các cuộc xung đột. Thay vào đó, Washington đang tìm cách sở hữu một thế hệ công cụ mới trên mặt đất và trên không gian cho phép bảo vệ mạng lưới vệ tinh của Mỹ khỏi các cuộc tấn công, và trong trường hợp cần thiết có thể làm gián đoạn hoặc vô hiệu hóa tàu vũ trụ của đối phương trên quỹ đạo.

leftcenterrightdel

Tư lệnh Lực lượng Không gian Mỹ Stephen N.Whiting (bên phải) trong một phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ tại Washington D.C. ngày 29-2. Ảnh: U.S.SPACE COMMAND 

Chiến lược này về cơ bản khác với các chương trình quân sự trước đây trong không gian ở chỗ, nó mở rộng phạm vi và khả năng tấn công-một mục tiêu khác xa so với đề xuất về một sáng kiến phòng thủ chiến lược từng xuất hiện từ thập niên 1980, vốn tập trung vào việc sử dụng vệ tinh để bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân.

The New York Times dẫn lời tướng Chance Saltzman, một chỉ huy của Lực lượng Không gian Mỹ (USSF) cho biết: “Mỹ phải bảo vệ năng lực không gian của mình, đồng thời ngăn chặn kẻ thù sử dụng năng lực không gian của họ một cách thù địch... Nếu không giành được ưu thế trong không gian, chúng ta sẽ thua trận”.

Theo các quan chức Lầu Năm Góc và một báo cáo gần đây của tình báo Mỹ, cả Nga và Trung Quốc đều đã thử nghiệm hoặc triển khai các hệ thống như laser năng lượng cao trên mặt đất, tên lửa chống vệ tinh hoặc vệ tinh cơ động “có thể được sử dụng để phá hoại tài sản không gian của Mỹ”. Chưa hết, Washington còn lo ngại trước một báo cáo cho rằng, Nga dường như đang phát triển vũ khí hạt nhân trên không gian có thể quét sạch các vệ tinh trên quỹ đạo, dù đó là vệ tinh thương mại hay quân sự. “Việc Nga sử dụng các công cụ gây nhiễu điện tử trong cuộc xung đột ở Ukraine-đôi khi đã làm gián đoạn các hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ-được các quan chức Lầu Năm Góc coi là một lý do khác khiến Mỹ phải tăng cường phòng thủ trong không gian”, tờ báo trích dẫn.

Tháng trước, trong cuộc gặp gỡ báo chí tại một hội nghị về ngành vũ trụ ở bang Colorado, tướng Stephen N.Whiting, Tư lệnh USSF tuyên bố: “Chiến tranh không gian không còn là lý thuyết nữa. Nó đã trở thành thực tế và đã được triển khai trong không gian”.

Tuy nhiên, Bắc Kinh mới là đối thủ “nặng ký” khiến Washington e ngại. Mỹ tin rằng Trung Quốc đã “tăng gấp 3 lần mạng lưới vệ tinh tình báo, giám sát và trinh sát kể từ năm 2018” với mục tiêu “tìm kiếm, theo dõi và nhắm vào các năng lực quân sự của Mỹ và đồng minh”, The New York Times dẫn lời tướng Stephen N.Whiting.

Đáp lại những thông tin từ phía Mỹ, các quan chức chính phủ của Trung Quốc và Nga đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Lầu Năm Góc, đồng thời khẳng định chính Washington đang thúc đẩy quá trình “quân sự hóa” không gian, rằng “Mỹ từ lâu đã nhiều lần thổi phồng Trung Quốc là mối đe dọa ngoài vũ trụ”, tất cả chỉ để tạo cớ cho Mỹ “mở rộng lực lượng ngoài không gian và duy trì quyền bá chủ trong lĩnh vực quân sự”. Để chống lại các yêu sách của Mỹ, tại cuộc họp vào tháng trước, Nga và Trung Quốc nỗ lực kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “ngăn chặn vĩnh viễn việc bố trí vũ khí ngoài không gian”. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không thành công.

Chưa biết những tranh cãi sẽ dẫn tới đâu, song những gì đang diễn ra cho thấy, không gian bắt đầu trở thành một chiến trường nóng bỏng, ẩn chứa nhiều nguy cơ có thể tác động đến đời sống nhân loại toàn cầu.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.