ABC News ngày 26-1 dẫn lời chuyên gia Jan Hoffmann của UNCTAD, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, giá nhiên liệu và thực phẩm chịu tác động lớn, dẫn đến gia tăng rủi ro lạm phát ở cấp độ toàn cầu. Theo ông Jan Hoffmann, kể từ khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen nhằm vào các tàu vận tải thương mại trên Biển Đỏ bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái, các công ty lớn trong ngành vận tải biển hoặc hạn chế, hoặc tạm ngừng khai thác tuyến vận chuyển qua kênh đào Suez của Ai Cập.

Đây là tuyến đường thủy quan trọng nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ và là tuyến đường huyết mạch trung chuyển nhiên liệu, hàng hóa từ châu Á tới châu Âu và ngược lại. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2023, khoảng 12%-15% thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez, song khối lượng vận chuyển qua tuyến đường thủy quan trọng này đã sụt giảm tới 42% chỉ trong hai tháng qua.

leftcenterrightdel

Tàu tên lửa của hải quân Israel tuần tra ở Biển Đỏ ngoài khơi thành phố cảng Eilat, phía Nam Israel, ngày 26-12-2023. Ảnh: AFP

Các cuộc tấn công của Houthi trên Biển Đỏ diễn ra vào thời điểm các tuyến vận tải hàng hóa khác đang gặp căng thẳng. Xung đột Nga-Ukraine và những căng thẳng địa chính trị khác đã định hình lại các tuyến vận chuyển dầu mỏ và ngũ cốc, bao gồm cả tuyến vận tải qua Biển Đen - vốn gần như bị tê liệt kể từ đầu cuộc xung đột.

Trong khi đó, hạn hán nghiêm trọng khiến mực nước ở kênh đào Panama giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, dẫn tới làm sụt giảm nghiêm trọng số lượng tàu vận tải có thể đi qua kênh đào này. Thống kê cho thấy, tổng số lượt vận chuyển qua kênh đào Panama trong tháng 12-2023 thấp hơn 36% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn tới 62% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng theo UNCTAD, thương mại qua các tuyến vận tải biển chiếm khoảng 80% thương mại hàng hóa thế giới. Điều đó lý giải vì sao một khi vận tải biển bị cản trở, thương mại toàn cầu sẽ đối mặt với nguy cơ đứt gãy. Cuộc khủng hoảng trên Biển Đỏ còn trực tiếp gây ra sự gián đoạn đáng kể việc vận chuyển ngũ cốc và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ châu Âu, Nga, Ukraine, từ đó dẫn đến chi phí gia tăng đổ lên đầu người tiêu dùng. Mặt khác, gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, nhất là ở Đông Phi, Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á - những khu vực phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu lúa mì từ châu Âu và khu vực Biển Đen.

Dữ liệu từ đầu năm 2024 cho thấy, trên 300 tàu container - chiếm hơn 20% công suất vận tải container toàn cầu - đang chuyển hướng khỏi kênh đào Suez bằng việc đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi, một chặng đường tốn kém hơn nhiều về chi phí với thời gian vận chuyển bị kéo dài. Kể từ đầu tháng 12 năm ngoái, giá cước vận chuyển container từ Thượng Hải đến châu Âu đã tăng 256%, đến bờ Tây nước Mỹ tăng 162%.

Liên quan đến căng thẳng vận tải biển, AP nhận định, những cuộc tấn công quân sự của Mỹ và Anh nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen dường như không phát huy tác dụng ngăn cản các cuộc tấn công của Houthi trên Biển Đỏ. Theo nguồn tin từ một quan chức cấp cao của Mỹ, Washington đã đề nghị Trung Quốc sử dụng mối quan hệ và uy tín của nước này với Iran để thuyết phục Tehran tham gia kiềm chế Houthi.

Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công vào tàu thương mại trên Biển Đỏ và duy trì chuỗi cung ứng cũng như trật tự thương mại quốc tế. Là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng trên Biển Đỏ khiến đảo lộn thương mại toàn cầu. Trong cuộc họp báo mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết, Trung Quốc đã “liên lạc chặt chẽ với tất cả các bên liên quan và thực hiện những nỗ lực tích cực” nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng trên Biển Đỏ.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.