Theo CNN, bắt đầu từ tháng 7 này, Pháp cấm hút thuốc ở tất cả các khu vực ngoài trời mà trẻ em thường lui tới, bao gồm công viên, bãi biển, trạm xe buýt, lối vào trường học và địa điểm thể thao. Những người vi phạm quy định này, bao gồm cả khách du lịch, sẽ đối mặt với khoản tiền phạt 90 euro nếu nộp phạt trong vòng 15 ngày và có thể lên tới 135 euro nếu nộp muộn hơn.
"Pháp đang định vị mình là một trong những quốc gia chủ động nhất châu Âu về kiểm soát thuốc lá", Raquel Venâncio, quan chức chính sách cấp cao tại Smoke Free Partnership, một liên minh các nhóm vận động kiểm soát thuốc lá ở châu Âu, nói với CNN.
 |
Một cửa hàng thuốc lá ở quận 4, thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: Fox News |
Mặc dù không phải tất cả công dân Pháp đều ủng hộ lệnh cấm mới, song đây vẫn được xem là sự thay đổi lớn ở một đất nước từ lâu đã gắn liền với văn hóa thuốc lá.
Báo cáo của Ủy ban quốc gia chống thuốc lá Pháp (CNCT) cho biết, tỷ lệ hút thuốc ở nước này đang ở mức thấp nhất kể từ thập niên 1990. Tuy nhiên, Pháp vẫn là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thuốc lá nhất châu Âu, một phần là do cái mà các quan chức gọi là "sự bùng nổ" trong nạn buôn lậu thuốc lá, chủ yếu từ Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Algeria. Chỉ tính riêng năm 2024, Pháp đã tiêu thụ khoảng 18,7 tỷ điếu thuốc lá bất hợp pháp, chiếm tới 38% lượng thuốc lá sử dụng và trở thành thị trường thuốc lá bất hợp pháp lớn nhất châu Âu.
Tỷ lệ hút thuốc lá ở Pháp cũng cao hơn tỷ lệ của khu vực và toàn cầu với khoảng 1/3 người Pháp từ 15 tuổi trở lên hút thuốc. Bộ Y tế Pháp cho biết thêm, gần 90% số người hút thuốc lá thường xuyên bị nhiễm thói quen khó bỏ này trước khi bước sang tuổi 18. Bởi vậy, Bộ trưởng Y tế Catherine Vautrin tuyên bố, bảo vệ thanh thiếu niên và “phi bình thường hóa” việc hút thuốc là ưu tiên tuyệt đối của Chính phủ Pháp. "Ở độ tuổi 17, bạn nên xây dựng tương lai của mình chứ không phải thói nghiện ngập. Nơi nào có trẻ em, thuốc lá phải biến mất", bà Vautrin nói.
Thuốc lá là nguyên nhân gây ra gần 700.000 ca tử vong sớm mỗi năm tại Pháp, tương đương 200 ca tử vong/ngày. Ngoài tác hại trực tiếp đối với người hút thuốc và những người xung quanh, các sản phẩm thuốc lá còn gây ra mối nguy hại cho môi trường. Bộ Y tế Pháp ước tính mỗi năm có khoảng 20.000-25.000 tấn đầu lọc thuốc lá bị vứt bỏ trên khắp nước Pháp.
Pháp có gần 23.000 cửa hàng thuốc lá được cấp phép và một nghiên cứu của CNCT cũng phát hiện ra rằng, những cửa hàng bán thuốc lá ở nước này thậm chí nhận được mức độ ủng hộ của công chúng tương đương với... các cơ quan y tế công cộng.
Tuy nhiên, sự thay đổi có thể đang ở phía trước. Amélie Eschenbrenner, phát ngôn viên của CNCT nhớ lại, khi Pháp thực thi lệnh cấm hút thuốc trong nhà hàng, quán bar và hộp đêm vào năm 2007 đã vấp phải rất nhiều phản đối, nhưng theo thời gian, mọi người đã quen và chấp nhận. Điều tương tự có thể diễn ra với các quy định mới.
Trong chiến lược giảm tỷ lệ ung thư, Ủy ban châu Âu đặt mục tiêu giảm số người hút thuốc lá xuống dưới 5% dân số của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2040. Tương tự, Chính phủ Pháp cho biết các hạn chế mới nhất có thể là bước đầu tiên trong chiến dịch “trấn áp thuốc lá” rộng rãi hơn.
“Thuốc lá là chất độc. Nó giết người, gây tốn kém, gây ô nhiễm... Mỗi ngày không thuốc lá là một ngày thêm sức sống. Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: Một thế hệ không thuốc lá-và chúng tôi có cách thức để đạt được mục tiêu đó”, Bộ trưởng Y tế Pháp Vautrin khẳng định.
TRUNG DŨNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.