Eo biển chiến lược

Hormuz là eo biển có tầm quan trọng chiến lược quan trọng. Với chiều rộng 40km tại điểm hẹp nhất, chiều dài 50km và độ sâu không quá 60m, eo biển Hormuz là nơi trung chuyển gần 21 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào năm ngoái, tương đương ¼ lượng dầu nhập khẩu trên thế giới.

Về vị trí địa lý, Hormuz nằm ở giữa bán đảo Musandam của Oman và cảng Bandar Abbas của Iran. Eo biển này được đặt theo tên của đảo Hormuz thuộc Iran. Mỗi ngày có khoảng 100 tàu ​​chở dầu đi qua eo biển này để vận chuyển dầu hoặc khí tự nhiên hóa lỏng. Hầu hết các nguồn nhiên liệu này được sản xuất và cung cấp bởi các quốc gia Vịnh Ba Tư (gồm Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất-UAE), Iraq và Iran. “Hormuz ngày nay trở thành tuyến đường quan trọng đối với các hoạt động thương mại dầu mỏ”, ông Francis Perrin, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS), khẳng định. Theo ông Francis Perrin, dầu mỏ đang là nguồn năng lượng tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải và hóa dầu. Chính vì thế, Hormuz là nơi mà nhà khai thác dầu không thể bỏ qua.

Kể từ tháng 5 vừa qua, cái tên Hormuz trở thành một trong những “điểm nóng” trên thế giới. Các vụ đụng độ, tranh cãi liên quan đến bắt giữ tàu chở dầu hay bắn rơi máy bay không người lái gần eo biển này gợi lại những ký ức đau buồn về "cuộc chiến tàu chở dầu" trong những năm 1984-1988. Vào thời điểm đó, 500 tàu chở dầu đã bị chìm trong cuộc xung đột giữa Iran và Iraq (1980-1988).

Nơi hẹp nhất của eo biển Hormuz được chụp từ vệ tinh. Ảnh: lepoint.fr.

Ngày 12-5-2019, 4 tàu thủy, trong đó có 3 tàu chở dầu, đã trở thành mục tiêu phá hoại ở cảng Fujairah của UAE, nằm phía bờ kia của Vịnh Ba Tư. Tiếp đó, ngày 13-6, hai tàu chở dầu bị tấn công ở biển Oman. Một tuần sau, Iran tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ trong khu vực này. Ngày 18-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, tàu USS Boxer của nước này đã bắn rơi máy bay không người lái của Iran ở eo biển Hormuz vì lý do bay gần tàu Mỹ. Mới đây nhất, Iran tuyên bố bắt giữ tàu chở dầu của Anh ở eo biển chiến lược này.

Chiến lược kiên nhẫn đối phó với lệnh trừng phạt

Làn sóng căng thẳng trên là hậu quả tất yếu sau chính sách gây sức ép với Iran của Tổng thống Donald Trump sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1. Kể từ tháng 5-2018, Tổng thống Donald Trump đã áp đặt “các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất trong lịch sử” trong lĩnh vực ngân hàng và xuất khẩu dầu của Iran, với mục đích buộc Tehran phải tuân theo điều khoản của Mỹ. Đầu tháng 5-2019, Nhà Trắng đã dỡ bỏ quyền miễn trừ trừng phạt cho một số quốc gia đang nhập dầu của Iran.

Với “chiến lược kiên nhẫn”, Iran cũng thể hiện sự cứng rắn của mình trước sức ép từ Mỹ. "Bằng cách đáp trả các cuộc tấn công của Mỹ, Iran sẽ ngăn Mỹ gây chiến bằng cách chỉ cho họ thấy cái giá đắt phải trả nếu xung đột xảy ra", Hamzeh Safavi, Giáo sư Khoa học chính trị của Trường Đại học Tehran, nhấn mạnh. Chiến lược trên của Iran là một sự tính toán khôn khéo vì đến thời điểm hiện tại chưa có ghi nhận nào về số người thiệt mạng cũng như số tàu đắm trong các vụ đụng độ gần đây.

Căng thẳng ở vùng Vịnh còn cho phép Iran duy trì giá dầu thô cao (hiện là 58 USD/thùng, giảm nhẹ so với 61 USD/thùng hồi đầu tháng 5). “Xung đột ở vùng Vịnh không khiến giá dầu tăng vì ba yếu tố: Mỹ sản xuất ngày càng nhiều dầu từ đá phiến, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu”, chuyên gia về năng lượng Francis Perrin khẳng định.

Tuy nhiên, kế hoạch kìm hãm nền kinh tế Iran của Mỹ cũng đang mang lại hiệu quả. Theo hãng tin Reuters, xuất khẩu dầu của Iran, chiếm 40% ngân sách nhà nước, đạt 100.000 thùng/ngày trong tháng 7-2019, giảm mạnh so với 2,5 triệu thùng/ngày hồi năm 2016. Tham mưu trưởng Lực lượng quân đội Iran, Tướng Mohammad Bagheri từng cảnh báo Mỹ rằng: "Nếu dầu của Iran không được chuyển qua eo biển Hormuz thì dầu từ các nước khác chắc chắn cũng như vậy”.

 Để giảm căng thẳng và tránh xung đột có thể nhấn chìm toàn bộ khu vực, mỗi quốc gia đều có ​​chính sách riêng của mình. Ngoài việc gửi thêm 2.500 binh sĩ đến vùng Vịnh kể từ tháng 5, Mỹ còn thành lập liên minh hàng hải nhằm bảo vệ tàu dầu ở Vùng Vịnh khỏi sự tấn công từ Iran. Pháp và Đức đã ra tín hiệu từ chối tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu, vì không muốn liên quan đến chính sách gây sức ép chống Iran của Mỹ.

Đáng lưu ý là UAE, nước từng ủng hộ mạnh mẽ chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Iran, lại không có động thái gì sau những căng thẳng ở Hormuz hồi tháng 5. Điều này cho thấy, UAE có thể lo ngại nguy cơ xung đột với Iran và đang lựa chọn chiến lược hoàn toàn khác. Lần đầu tiên kể từ năm 2013, một phái đoàn UAE đã đến Tehran đầu tháng 8 để nối lại đàm phán giữa hai nước, trong đó có thảo luận về vấn đề an toàn hàng hải.

VŨ PHƯƠNG LINH (dịch)