Cũng giống như nhiều khu vực trên thế giới, Đông Nam Á đã phải trải qua những thời khắc vô cùng khó khăn trong năm 2021 khi “cơn cuồng phong” Covid-19 càn quét khắp nơi với các biến thể mới của kẻ thù vô hình mang tên virus SARS-CoV-2 liên tiếp xuất hiện. Những làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng, gây nhiều tổn thất hơn so với năm 2020 buộc các quốc gia Đông Nam Á phải áp đặt hàng loạt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Sinh mạng người dân bị đe dọa, đời sống kinh tế-xã hội bị đảo lộn còn chất chồng thêm bởi thiên tai.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Makassar, Nam Sulawesi, Indonesia. Ảnh: TTXVN.

Mặc dù xóa sổ hoàn toàn dịch Covid-19 là mong muốn chung của toàn thế giới, song các quốc gia Đông Nam Á cũng ý thức được rằng, cần phải thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt một khi virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Với việc tăng độ bao phủ của vaccine như một vũ khí hữu hiệu, các quốc gia trong khu vực đã bắt đầu xác định dần “sống chung” với dịch Covid-19 để mở cửa trở lại, đẩy mạnh khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Trên bình diện khu vực, ASEAN đã bước sang tuổi 54 với vai trò và bản lĩnh không ngừng được củng cố và tôi luyện. Lịch sử hơn 5 thập niên tồn tại chứng kiến không ít lần "bó lúa vàng ASEAN" phải gồng mình để vượt qua giông bão.

Song, càng qua khó khăn và sóng gió, ASEAN lại càng trưởng thành hơn trước. Nền tảng cho sức mạnh của ASEAN chính là sự đoàn kết và thống nhất nội khối. Chính tinh thần được thể hiện xuyên suốt hơn nửa thế kỷ qua ấy giúp ASEAN cùng các nước thành viên vững bước tiến lên, dù cho “con tàu” ASEAN 2021 phải đi qua “vùng biển” dông bão dữ dội.

Tuy rằng, nguồn lực còn hạn chế nhưng các nước thành viên đã không ngừng chung tay giúp đỡ nhau trước những tác động nặng nề do đại dịch gây ra, trở thành biểu tượng sáng ngời cho tinh thần đoàn kết và thống nhất của ASEAN. 

Không chỉ trong cuộc chiến chống Covid-19, sự đoàn kết và thống nhất nội khối còn tiếp tục được bồi đắp và phát huy khi ASEAN giữ vững lập trường nguyên tắc về đề cao thượng tôn pháp luật, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế đối với những vấn đề tác động tới hòa bình, ổn định, an ninh khu vực.

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp tại Myanmar-một thành viên dưới “mái nhà chung” ASEAN-hiệp hội đã nhanh chóng đạt được và đang nỗ lực triển khai Đồng thuận 5 điểm nhằm hướng tới một giải pháp hòa bình không chỉ vì lợi ích và sinh kế của người dân Myanmar mà còn vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực nói chung.

Trải qua những thăng trầm với biết bao biến chuyển của tình hình thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua, ASEAN-với vị trí địa chiến lược quan trọng, là trung tâm của khu vực rộng lớn kết nối hai vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương-đã định vị được chỗ đứng của mình với vai trò hạt nhân trong các tiến trình đối thoại, hợp tác đa phương, đa tầng nấc ở khu vực.

Trong triển khai chính sách đối ngoại của mình, các đối tác bên ngoài liên tục nhấn mạnh sự coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Điều đó tiếp tục được thể hiện trong năm 2021 khi lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tham dự hội nghị của ASEAN sau 4 năm vắng bóng, giới chức cấp cao trong chính quyền mới của Mỹ thực hiện những chuyến công du đầu tiên tới khu vực ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ hay lần đầu tiên một Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức. Đó còn là việc ASEAN thiết lập quan hệ đối tác đối thoại với Anh hay chấp thuận đề nghị của Hà Lan, Hy Lạp, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Oman và Đan Mạch tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC)...

Mẫu số lợi ích chung gắn kết các quốc gia Đông Nam Á hơn 5 thập niên qua càng được nhân lên trong bối cảnh khó khăn, thử thách. Cho dù chặng đường phía trước có thể có những gập ghềnh, song sự tỉnh táo trước thách thức, sự chủ động, linh hoạt trong ứng phó và sự gắn kết trong hành động sẽ tiếp tục là kim chỉ nam để các quốc gia Đông Nam Á tự tin trên bước đường tiếp theo, xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, tự cường, đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực.

HOÀNG VŨ