Quốc gia số hóa nhất thế giới

Chiếc xe đẩy màu xanh đỗ trước lối vào Đài tưởng niệm Victoria ở Calcutta, nơi tập trung nhiều khách du lịch. Người bán hàng tay thoăn thoắt làm những cốc nước chanh đá mát lạnh. Trong cái nóng ngột ngạt, khách du lịch hướng điện thoại của họ vào miếng bìa cứng nhựa cũ có dán mã QR. Việc thanh toán 25 rupee hoàn thành ngay lập tức.

Theo lesechos.fr, tất cả người bán hàng rong ở Ấn Độ đều có mã QR, cho phép khách hàng có thể mua một điếu thuốc hoặc quả chuối giá 10 rupee mà không cần tiền giấy hay tiền xu. Đó là thành quả của cuộc cách mạng mang tên “Giao diện thanh toán hợp nhất” (UPI) ở Ấn Độ. Với tốc độ như hiện tại, các khoản thanh toán thực hiện qua hệ thống UPI dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, tương đương hơn một nửa GDP của cả nước...

Trong khi ở các quốc gia châu Âu, ngân hàng, cơ quan quản lý, chính trị gia không ngừng thảo luận về hệ thống thanh toán thống nhất thì ở Ấn Độ-nơi có dân số đông gấp 3 lần và trẻ hơn 3 lần-đã bước sang kỷ nguyên kỹ thuật số từ hơn 10 năm trước. Ấn Độ đã tạo ra “sân chơi” kỹ thuật số thống nhất cho phép khu vực tư nhân kết nối để phát triển các loại giao diện (API). “Các cơ quan nhà nước đã phát triển hệ thống, đặt ra các quy tắc, sau đó khuyến khích khu vực tư nhân tham gia”, ông Alok Kshirsagar thuộc Công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey phân tích.

leftcenterrightdel

Người bán rau quả ở Calcutta, Ấn Độ sử dụng mã QR để giao dịch với khách hàng. Ảnh: AFP 

 Việc áp dụng kỹ thuật số ở Ấn Độ rất thành công. Năm 2016, thời điểm áp dụng UPI, 18 triệu giao dịch đã được ghi nhận. Đến năm 2022, con số này lên tới hơn 50 tỷ. Chỉ trong vài năm, 500 triệu người Ấn Độ mở tài khoản ngân hàng lần đầu tiên, chiếm 55% tổng số tài khoản mới được mở trên thế giới.

Sức mạnh kỹ thuật số còn tạo ra cuộc cách mạng xã hội. Hơn một nửa số chủ tài khoản mới ở Ấn Độ là phụ nữ. Trong thời kỳ Covid, Chính phủ Ấn Độ đã chuyển tiền hỗ trợ tới tài khoản của hàng trăm triệu người, góp phần ngăn chặn tình trạng tham nhũng.

Kỹ thuật số-Không gian của mọi người

Nguồn gốc của cuộc cách mạng kỹ thuật số Ấn Độ này là chương trình Aadhaar (theo tiếng Hindi nghĩa là “nền tảng”). Đây là hệ thống nhận dạng dân số của Ấn Độ dựa trên sinh trắc học, do Cơ quan đăng ký quốc gia về nhận dạng sinh trắc học kỹ thuật số quản lý và được áp dụng từ năm 2010. Theo đó, mỗi công dân Ấn Độ có số nhận dạng gồm 12 chữ số, giúp họ có thể truy cập các dịch vụ kỹ thuật số cũng như lưu trữ một loạt dữ liệu cá nhân, từ ảnh mống mắt, khuôn mặt, dấu vân tay, giới tính đến giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19, tờ khai thuế hoặc tài khoản ngân hàng...

Trụ cột khác của cuộc cách mạng kỹ thuật số của Ấn Độ là két an toàn kỹ thuật số (Digilocker) giúp lưu trữ tất cả dữ liệu hành chính của công dân. “Digilocker rất cần thiết. Nếu bạn muốn đăng ký một dịch vụ hoặc ký hợp đồng bảo hiểm trực tuyến, bạn sẽ được yêu cầu xuất trình giấy tờ. Tất cả những gì bạn phải làm là giới thiệu nhà cung cấp dịch vụ đến Digilocker và việc kiểm tra diễn ra ngay lập tức”, Bộ trưởng Bộ Đường sắt, Truyền thông, Điện tử và Công nghệ thông tin của Ấn Độ, ông Ashwini Vaishnaw, chia sẻ.

Dự kiến, trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ tiếp tục số hóa trong lĩnh vực y tế. Hiện một nền tảng kỹ thuật đã được thiết lập để kết nối bệnh nhân, bác sĩ, dược sĩ và bệnh viện. Hệ thống này, khi được mở rộng hoàn toàn, sẽ bao phủ 380 triệu chủ hợp đồng bảo hiểm và các chuyên gia y tế. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang chuẩn bị cho một “vụ nổ lớn” trong ngành ngân hàng. Tại bang Uttar Pradesh, chính quyền đang thử nghiệm việc cung cấp các khoản tín dụng vi mô tức thì, bắt đầu từ 100 rupee (khoảng 30.000VND). Nếu thành công, loại dịch vụ này sẽ được triển khai trên toàn quốc trong vòng 18 tháng.

Cho đến nay, các quốc gia như Morocco, Ai Cập, Mexico, Philippines và Jamaica đã bắt đầu áp dụng một số giải pháp kỹ thuật số được phát triển ở Ấn Độ. “Kỹ thuật số là một lợi ích chung. Đó là không gian dành cho tất cả mọi người”, Bộ trưởng Vaishnaw nhấn mạnh.

BÌNH NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.