Trong bối cảnh xuất hiện cảnh báo về nguy cơ “cuộc chiến lúa mì” trên thế giới do một số nước cấm và hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, đã có thêm một số nước áp lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác, nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Bloomberg dẫn lời bà Sabrin Chowdhury, người đứng đầu bộ phận hàng hóa của Fitch Solutions, cho biết khoảng 30 quốc gia đã hạn chế xuất khẩu lương thực kể từ khi xung đột tại Ukraine diễn ra. Malaysia gần đây công bố lệnh cấm xuất khẩu thịt gà.

Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu lúa mì và đường lớn thứ hai thế giới, hồi giữa tháng cũng cấm xuất khẩu lúa mì và cách đây vài ngày lại lên kế hoạch tương tự với đường. Và trong khi Indonesia tuyên bố giới hạn bán dầu cọ, nhiều quốc gia khác cũng áp hạn ngạch với ngũ cốc. Điều đáng nói là nhiều hàng hóa đầu vào, như hạt giống, phân bón cũng nằm trong diện bị hạn chế xuất khẩu, càng khiến tình hình bảo đảm lương thực trên thế giới trở nên khó khăn hơn.

leftcenterrightdel
      Nguy cơ xảy ra "cuộc chiến lúa mì" trên thế giới do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh minh hoạ

Hệ quả đó là kể từ đầu năm 2022 đến nay, giá lúa mì trên thế giới đã tăng hơn 60%. Một số loại lương thực chủ lực đã trở nên đắt đỏ hơn trước, như giá dầu cọ tăng gần 40%, giá sữa tăng 14%...

Bà Sabrin Chowdhury cho biết chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng giá lương thực giai đoạn 2007-2008 và chắc chắn sẽ tiếp tục trong năm 2022 và tăng dần trong những tháng tới.

Điều này làm tăng thêm rủi ro về an ninh lương thực với nhóm dễ tổn thương, nhất là những người nghèo vốn phải chi phần lớn thu nhập của họ cho việc mua lương thực, thực phẩm. Các nước nghèo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do giá lương thực tăng vọt và nguồn cung thiếu hụt. 

Tuy nhiên, chính các nước giàu có hơn cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng trong cơn bão giá lương thực đang hoành hành. Người ta ước tính có gần 10 triệu người Anh đã phải giảm lương thực vào tháng 4 vì khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Các nhà hàng tại Mỹ cũng giảm kích cỡ khẩu phần ăn, trong khi Pháp cam kết cấp phiếu thực phẩm cho một số hộ gia đình. Bà Sonia Akter, Phó giáo sư nông nghiệp tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), cho biết, các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn ở Anh, Mỹ đang phải vật lộn tìm lương thực.

Ngoài ra, việc hạn chế xuất khẩu không chỉ gây lo ngại cho các quốc gia nhập khẩu mà chính các nước xuất khẩu cũng chẳng “vui vẻ” gì khi bất đắc dĩ phải áp dụng các lệnh hạn chế. Người nông dân ở các nước sản xuất lương thực là người chịu thiệt vì sẽ không được hưởng lợi từ giá quốc tế cao. 

Ông David Adamson, giảng viên cấp cao tại Trung tâm Tài nguyên và Thực phẩm toàn cầu thuộc Đại học Adelaide cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ là điều tồi tệ với an ninh lương thực vì nó ngăn cản thị trường tự hoạt động hiệu quả.

Thống kê của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết giá đã tăng hơn 70% kể từ giữa năm 2020 và gần đạt mức kỷ lục sau xung đột tại Ukraine. Việc này khiến xuất khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp bị tắc nghẽn và chuỗi cung ứng xáo trộn.

Ở thời điểm khó khăn kinh tế chồng chất như hiện nay, việc chủ nghĩa bảo hộ lương thực nổi lên khiến sức mua của người tiêu dùng suy giảm vì giá cả tăng vọt. Tình hình này khiến các ngân hàng trung ương bị lúng túng khi vừa phải kiềm chế lạm phát, vừa duy trì tăng trưởng.

Hệ lụy và rủi ro từ chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp, bảo hộ lương thực ngày càng rõ ràng. Nhằm tránh để tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã kêu gọi các nước không cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lương thực cơ bản.

WTO đang cố gắng kêu gọi các nước thành viên kiểm soát chặt chẽ lương thực thay vì cấm hay hạn chế xuất khẩu. WTO sẽ giám sát công khai các biện pháp kiểm soát này nhằm ngăn cản các nước thành viên đưa ra những quyết định tương tự. Theo bà Ngozi, vì lý do an ninh lương thực, các nước có thể hạn chế xuất khẩu trong một thời gian nhưng quyết định này chỉ nên mang tính tạm thời. Điều này cũng cần có sự minh bạch và cân đối.

Như đối với trường hợp Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì, theo giới chuyên gia, động thái này là cần thiết để bảo đảm nguồn cung, kiềm chế lạm phát. Nhưng cách tốt hơn để giảm thiệt hại đó là có thể hạn chế sản lượng xuất khẩu và đưa ra mức giá xuất khẩu tối thiểu, thay vì ban hành lệnh cấm đột ngột. Bởi điều này sẽ gây ra thách thức với thương mại, ảnh hưởng uy tín các nhà xuất khẩu cũng như thu nhập của người nông dân...

MAI NGUYÊN