Chuyện là Embla, một cô bé 11 tuổi sống tại thành phố Gostivar, cách thủ đô Skopje của Bắc Macedonia khoảng 65km về phía tây nam, không may mắn khi bị mắc bệnh Down bẩm sinh-một hội chứng di truyền khiến sự phát triển về thể chất và khả năng nhận thức, học tập của trẻ bị hạn chế. Nhờ sự cố gắng của bản thân và gia đình mà Embla vẫn đến trường như bao trẻ phát triển bình thường cùng trang lứa.
Tuy nhiên, sự “khác biệt” thiệt thòi này của Embla lại là chủ đề châm chọc của các bạn cùng lớp. Thậm chí có lúc cô bé còn bị cô lập vì bị cho rằng có xu hướng trở nên hung hăng, mặc dù sau đó tờ báo địa phương Rheinische Post dẫn lời chuyên gia tại một trung tâm hỗ trợ trẻ đặc biệt ở Gostivar khẳng định Embla không hề như vậy.
Sau khi nghe tin Embla bị bắt nạt, Tổng thống Stevo Pendarovski đã đến nhà trò chuyện với bố mẹ Embla về những vấn đề mà em và gia đình gặp phải trong cuộc sống hằng ngày cũng như trao đổi về các giải pháp khả thi. Trong một đoạn video được Văn phòng Tổng thống Bắc Macedonia đăng tải, ông Pendarovski tặng quà rồi đích thân dắt tay đưa Embla đến trường và vẫy tay chào khi cô bé bước vào lớp.
Trong một thông cáo báo chí, Tổng thống Bắc Macedonia nhấn mạnh, tất cả hành vi gây nguy hiểm đến quyền trẻ em đều không thể chấp nhận được, nhất là đối với những trẻ bị khiếm khuyết về thể chất và trí tuệ; đồng thời khẳng định trẻ em không chỉ được hưởng quyền của mình mà còn cần phải cảm nhận được sự bình đẳng và được chào đón khi tới lớp.
 |
Lan tỏa thông điệp chống bắt nạt học đường. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam châu Âu với dân số khoảng 2 triệu người, Bắc Macedonia được biết đến là đất nước rất chú trọng việc phát triển vốn con người. Chính hành động tưởng chừng nhỏ nhưng rất đỗi gần gũi và đầy tính nhân văn trên của Tổng thống Stevo Pendarovski đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ về việc chống phân biệt đối xử và đặc biệt là chống bắt nạt học đường.
Lâu nay, bắt nạt bạn học diễn ra dưới nhiều hình thức, như: Mắng chửi, đe dọa, đặt điều, sỉ nhục, bắt phạt, cô lập, chế giễu hay trấn lột, là một vấn nạn nhức nhối đối với ngành giáo dục toàn cầu. Một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính, hơn 30% học sinh trên thế giới bị bắt nạt tại trường học, trong khi cứ 10 học sinh tại 39 nước phát triển thì có 3 em thừa nhận từng bắt nạt bạn. Trang web StopBullying chuyên cung cấp thông tin từ các cơ quan của Chính phủ Mỹ về tình trạng bắt nạt cũng như những biện pháp phòng ngừa và đối phó cho biết, khoảng 20% học sinh độ tuổi từ 12 đến 18 ở nước này bị bắt nạt.
Vấn đề nổi cộm trên không phải là vô hại mà có tác động tiêu cực tới thành tích học tập, sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống nói chung của nạn nhân. Theo UNICEF, bắt nạt học đường là lý do phổ biến nhất khiến trẻ em không thích đi học. Những học sinh thường xuyên bị bắt nạt có nguy cơ cảm thấy như “người ngoài cuộc” ở trường học cao gấp ba lần và khả năng nghỉ học cao gấp hai lần so với các bạn không bị bắt nạt.
Nguy hiểm hơn, khi bị bắt nạt, nhiều em có suy nghĩ trả thù, dẫn đến việc có thể gây nên những hành động bạo lực không kiểm soát được. Trước thực trạng đó, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều sáng kiến và chỉ dẫn, trong khi các chuyên gia cũng đề xuất những giải pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế, phát hiện sớm và kịp thời xử lý tình trạng bắt nạt nhằm tạo ra môi trường học đường thân thiện, an toàn. UNESCO cũng chọn thứ năm đầu tiên của tháng 11 hằng năm làm Ngày quốc tế chống bạo lực và bắt nạt học đường để nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về tình trạng này.
KHÁNH NGÂN