RT đưa tin, thành phố Linz của Áo đang tìm kiếm các ứng viên cho công việc “săn” những người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19. Nhiệm vụ của các “thợ săn” đặc biệt này là phát phiếu phạt và áp dụng các biện pháp đối phó với những người không chịu nộp phạt vì chưa tiêm chủng.
Các điều kiện tham gia ứng tuyển cho công việc được xem là không ít vất vả này gồm công dân phải mang quốc tịch Áo, tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên, có đức tính kiên trì, sẵn sàng làm việc thêm giờ, không có tiền án tiền sự, có giấy chứng nhận còn hiệu lực đối với người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 hoặc người đã khỏi bệnh.
Ngoài ra, các ứng viên nữ sẽ được ưu tiên cho công việc “thợ săn” đặc biệt nói trên so với những ứng viên nam cùng đáp ứng các điều kiện tuyển dụng. “Công việc này sẽ phù hợp với những ai thích làm việc liên quan tới luật pháp và thủ tục hành chính”, giới chức thành phố Linz nhấn mạnh.
 |
Cảnh sát bắt một người trong biểu tình phản đối biện pháp phòng, chống Covid-19 ở Vienna, Áo ngày 11-12. Ảnh: AP |
RT cho biết, Linz-thành phố lớn thứ 3 của Áo với dân số khoảng 200.000 người-hiện có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 thấp nhất tại quốc gia này. Theo thống kê, chỉ có 63% trong tổng số những người đủ điều kiện tại thành phố Linz đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19.
Thông tin tuyển dụng các “thợ săn” đặc biệt được giới chức thành phố Linz đưa ra trong bối cảnh từ ngày 1-2-2022, việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 trở thành bắt buộc đối với tất cả người dân Áo, ngoại trừ trẻ em dưới 14 tuổi hoặc những người có chống chỉ định tiêm. Bất kỳ ai từ chối tiêm chủng sẽ bị phạt tiền, cứ 3 tháng/lần.
Nếu các cá nhân kiên quyết không tiêm vaccine trong cả năm, tổng số tiền phạt sẽ lên đến 3.600 euro (khoảng hơn 4.000USD). Những người từ chối mũi tiêm vaccine tăng cường cũng sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 1.500 euro (khoảng 1.700USD). Chính phủ Áo cho biết, nếu không nộp phạt hành chính, những người từ chối tiêm chủng thậm chí có thể phải nhận án tù.
Theo RT, Áo là quốc gia châu Âu đầu tiên yêu cầu bắt buộc mọi người dân phải tiêm vaccine ngừa Covid-19. Việc tiêm chủng bắt buộc không phải là điều chưa từng có tiền lệ tại Áo. Vào năm 1948, Chính phủ Áo khi đó đã “luật hóa” việc tiêm phòng bệnh đậu mùa. Đến năm 1980, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa là căn bệnh đầu tiên bị đánh bại nhờ tiêm chủng.
Thực tế cho thấy, với sự giúp sức của “vũ khí hữu hiệu” vaccine, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang từng bước tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt để vừa kiềm chế dịch Covid-19, vừa mở cửa trở lại, khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội. Thế nhưng trong bối cảnh bị “bóng đen” dịch bệnh tái bủa vây, nhất là sự xuất hiện của biến thể Omicron, nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Áo, lại đang phải đối mặt với tâm lý bài xích tiêm chủng ở một bộ phận người dân.
AP cho biết, nhiều người dân Áo bày tỏ hoài nghi về vaccine ngừa Covid-19 mà một phần nguyên nhân là do sự cổ súy của đảng Tự do-đảng lớn thứ 3 của Áo có quan điểm dân túy cực hữu. Trong khi có khoảng hơn 69% dân số Áo đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19, đây vẫn được xem là một trong những tỷ lệ thấp tại Tây Âu. Chính phủ Áo tuyên bố không hề mong muốn xử phạt những người chưa tiêm vaccine.
“Chúng tôi có trách nhiệm tăng độ bao phủ của vaccine để chúng ta không phải cứ phong tỏa hết lần này tới lần khác. Chúng tôi muốn thuyết phục người dân đi tiêm chủng, muốn họ thể hiện tinh thần đoàn kết với tất cả mọi người để chúng ta có thể khôi phục lại tự do của mình”, AP dẫn lời Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Hiến pháp của Áo Karoline Edtstadler.
HOÀNG VŨ