Theo The Washington Post, Ayaka Suita, 30 tuổi, từng làm việc tại một công ty cung ứng nguồn nhân lực ở thủ đô Tokyo trước khi chuyển tới Tsuno-cho, thị trấn có khoảng 10.000 người ở tỉnh Miyazaki, phía Nam Nhật Bản.

Hiện nay, cô làm việc cho một công ty khởi nghiệp chuyên dạy học sinh về cách sống bền vững và thúc đẩy các sáng kiến không phát thải khí carbon của thị trấn.

Cô Suita từng cân nhắc rất nhiều về khả năng rời phố về quê. Chính đại dịch Covid-19 đã cho cô thời gian để suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Nếu làm việc tại Tokyo, Suita sẽ phải mất nhiều năm để được thăng chức. Nhưng tại thị trấn Tsuno-cho, cô được tham gia các dự án mới, cho phép phát triển kỹ năng của bản thân.

Nhiều người trẻ hiện nay chọn về quê sinh sống và làm việc. Ảnh: Washington Post. 

Suita chia sẻ: “Tại công ty ở Tokyo, người trẻ không dễ dàng được trao những cơ hội lớn trong sự nghiệp, nhưng ở các vùng nông thôn, bất kể độ tuổi nào cũng có rất nhiều cơ hội. Trước khi đến đây, tôi đã từ bỏ những việc mà tôi cho rằng mình không thể làm được, nhưng bây giờ, tôi đã khám phá được khả năng của mình”.

Hay như Kana Hashimoto, 25 tuổi, cũng từng làm việc cần mẫn mỗi ngày tại một công ty bảo hiểm ở Tokyo trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi dịch bệnh ập tới, Hashimoto đã quyết định không tiếp tục bám trụ lại thành phố.

Vào tháng 4, cô đã chuyển đến Minamiaso, một ngôi làng có khoảng 11.000 người ở miền Nam Nhật Bản. Hiện cô đảm nhận cùng lúc nhiều công việc như trồng trọt, hỗ trợ phân phối đặc sản địa phương cho các nhà hàng quanh vùng, làm việc tại một quán súp miso và một khu nghỉ dưỡng có suối nước nóng.

Đại dịch Covid-19 tàn khốc đã làm thay đổi cách nghĩ về cuộc sống và sự nghiệp của rất nhiều người trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Tại xứ sở mặt trời mọc, các lao động trẻ như Suita và Hashimoto đã và đang tìm kiếm những lựa chọn thay thế cho công việc căng thẳng tại các công ty lớn với môi trường làm việc cạnh tranh gay gắt.

Theo kết quả một cuộc khảo sát, khoảng 1/3 người từ 20 đến 30 tuổi sống ở Tokyo cho biết đang lên kế hoạch để chuyển tới các vùng nông thôn. Những năm gần đây, chính quyền Nhật Bản và các địa phương đã và đang nỗ lực hồi sinh vùng nông thôn để thu hút người trẻ chuyển đến sinh sống bằng cách cho phép làm việc từ xa hay rao bán nhà với giá rẻ.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng đang tìm cách thúc đẩy nỗ lực này. Một trong số những sáng kiến của ông Kishida là đầu tư vào các chương trình thu hẹp khoảng cách giữa thành phố và nông thôn. Theo Thủ tướng Nhật Bản, các vùng nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng đối với đất nước.

Tại các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Việt Nam..., những câu chuyện về việc giới trẻ rời các thành phố sầm uất về chốn làng quê thanh bình sinh sống và làm việc không còn quá xa lạ. Xu hướng này đang dần nở rộ trong những năm gần đây.

Tất nhiên, trong khi các thanh niên khác đang cố gắng thoát khỏi vùng nông thôn để tìm kiếm cơ hội làm việc ở các thành phố lớn thì những người ngược dòng từ phố về làng sẽ vấp phải sự phản đối từ chính gia đình của họ. Thêm vào đó, cuộc sống ban đầu ở nông thôn không dễ dàng với nhiều người trẻ, vì ở đây, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn. 

Nhìn chung, những thanh niên trẻ tuổi muốn về quê lập nghiệp không hẳn chỉ vì công việc quá mệt mỏi hay không tìm được chỗ đứng tại thành phố lớn. Đôi khi lý do của họ chỉ đơn giản là muốn có cuộc sống “dễ thở”, hòa mình cùng thiên nhiên và tránh xa đô thị ồn ào rực rỡ ánh đèn. 

Dù với lý do nào thì không thể phủ nhận việc một bộ phận giới trẻ bỏ phố về quê làm ăn sinh sống là tín hiệu tốt lành đối với các vùng nông thôn, nơi đang thiếu hụt lực lượng lao động trẻ. Với trí tuệ, sức lực và tinh thần nhiệt huyết cùng sự hiểu biết về công nghệ, những người trẻ tuổi sẽ góp phần giúp các vùng quê "thay da đổi thịt" từng ngày.

THÙY LINH