Hàn Quốc, mỗi trẻ chào đời tại thủ đô Seoul sẽ nhận "chiếc vé chào đời" trị giá 2 triệu won (hơn 1.500USD) và khoản trợ cấp này có hiệu lực trong vòng một năm. Đây là một trong những chính sách trợ cấp và hỗ trợ mở rộng cho trẻ em và các gia đình có con nhỏ nhằm khuyến khích tăng tỷ lệ sinh, vốn đang suy giảm nghiêm trọng ở quốc gia này.

Theo số liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố hôm 22-2, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong bối cảnh khủng hoảng dân số ngày càng sâu sắc. Năm 2022, chỉ có 249 nghìn trẻ chào đời tại nước này, giảm 4,4% so với năm 2021 và đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp số ca tử vong vượt quá số ca sinh ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

Xứ sở kim chi là quốc gia duy nhất trên thế giới có tỷ lệ sinh dưới 1. Ngày càng có nhiều người trẻ trì hoãn việc lập gia đình hoặc từ bỏ hoàn toàn việc có con. Họ cho rằng chi phí nuôi con quá tốn kém, công việc bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế suy thoái và giá cả mọi thứ đều trở nên đắt đỏ. Một vài người còn có quan niệm ưu tiên tự do cá nhân hơn, do vậy họ có xu hướng né tránh việc kết hôn và sinh con.

leftcenterrightdel
Người dân trên đường phố Seoul, Hàn Quốc ngày 20-4-2020. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Kang Ye-seul, 27 tuổi, nhân viên tại một trường đại học ở Hàn Quốc là người theo đuổi “chủ nghĩa độc thân”. Cô chia sẻ cuộc sống độc thân mang lại cho cô sự tự do, cho phép cô theo đuổi sở thích của mình cũng như có thời gian đi chơi với bạn bè. Cô không muốn một cuộc sống hôn nhân gò bó.

Trong khi đó, Lee Ye-eun, một sinh viên đại học 25 tuổi khẳng định sự bất bình đẳng giới đang phổ biến trong xã hội đã ảnh hưởng đến suy nghĩ về hôn nhân và gia đình của cô. “Tôi không muốn lấy chồng, bởi trong xã hội hiện nay phụ nữ thường phải chịu thiệt thòi hơn khi bước vào mối quan hệ hôn nhân”, Lee Ye-eun chia sẻ.

Trong bối cảnh tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và dân số già đi nhanh chóng, những lo ngại đang gia tăng về áp lực đối với nền kinh tế Hàn Quốc và hệ thống lương hưu có thể cạn kiệt trong những thập kỷ tới.

Hàn Quốc đã triển khai các chương trình khuyến khích người dân sinh con, bao gồm hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ điều trị sinh sản và chi phí y tế. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, những biện pháp này không giải quyết được vấn đề chi phí sinh hoạt đắt đỏ hay thay đổi quan điểm về vai trò giới và cân bằng giữa cuộc sống, công việc.

Tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản cũng cảnh báo, sự suy giảm dân số đang đưa đất nước “đến bờ vực rối loạn chức năng xã hội”. Trong bài phát biểu trước Quốc hội mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tuyên bố Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp chưa từng có để giải quyết tỷ lệ sinh sụt giảm của Nhật Bản. Nhà lãnh đạo này cảnh báo xã hội đang đứng trước bờ vực xáo trộn chức năng, các hệ thống chăm sóc sức khỏe và hưu trí gặp nguy cơ mất khả năng thanh toán, nợ quốc gia tăng vọt và kinh tế suy giảm.

Theo CBS News, giới lãnh đạo của đất nước tin chắc hôn nhân là câu trả lời cho bài toán nan giải này. Do vậy, nhiều biện pháp khuyến khích giới trẻ kết hôn đã được đưa ra. Trên khắp cả nước, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp liên kết tổ chức những buổi gặp mặt cho người độc thân, thúc đẩy người trẻ lên kế hoạch cụ thể cho hôn nhân và cuộc sống gia đình.

Dự kiến vào tháng 4 tới, Nhật Bản sẽ thành lập cơ quan trẻ em và gia đình, đồng thời thảo luận và thông qua các biện pháp hỗ trợ gia đình đang nuôi con nhỏ. Thủ tướng Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi khoản hỗ trợ trẻ em để khuyến khích sinh đẻ.

Nhật Bản từ lâu đã được biết đến là quốc gia châu Á điển hình cho tình trạng già hóa dân số. Còn Hàn Quốc thì liên tục phá kỷ lục về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Thực trạng đáng lo ngại nêu trên gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế, đồng thời đặt ra bài toán khó trong việc duy trì hệ thống lương hưu, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và bù đắp số lao động bị thiếu hụt. Sớm thực thi những chính sách giúp cải thiện cơ cấu dân số có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của những quốc gia này, tránh để sự suy giảm tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động kéo lùi đà tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Shruti Singh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định.

NGỌC HÂN