Hình thành “tam giác” liên minh giữa Paris, London và Berlin

Một tuần sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Anh, Thủ tướng Merz sẽ đến London trong một chuyến thăm chính thức rất được mong đợi. Về mặt hình thức, đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Đức tới Anh sau khi Thủ tướng Keir Starmer nhậm chức hồi đầu tháng 5. Trên hết, đây sẽ là cơ hội để hai nước ký kết một hiệp ước hữu nghị, được Berlin so sánh với Hiệp ước Élysée giữa Pháp và Đức.

Đối với Thủ tướng Merz, trọng tâm của chuyến thăm là tăng cường mối quan hệ với Anh sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (hay còn gọi là Brexit) mà không làm suy yếu sự hội nhập châu Âu và kế hoạch tái khởi động mối quan hệ Pháp-Đức với Tổng thống Macron, người mà ông dự kiến sẽ gặp vào tuần tới.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz (bên trái) và Thủ tướng Keir Starmer bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6. Ảnh: SIPA 

Tuần trước, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Anh đã ký một tuyên bố về chính sách và hợp tác hạt nhân giữa hai nước. Đổi lại, Thủ tướng Anh và người đồng cấp Đức dự kiến sẽ phê duyệt một hiệp ước, theo đó hai nước sẽ cam kết hỗ trợ lẫn nhau nếu một trong hai nước bị tấn công. Đây là một phần của những gì đang được thể hiện bên kia eo biển Manche như một “tam giác” liên minh giữa Paris, London và Berlin.

“Chúng tôi không ở trong tình thế cạnh tranh với Pháp; các thỏa thuận đạt được chủ yếu mang tính bổ sung”, một nguồn tin Đức nhấn mạnh. Nói cách khác, mỗi quốc gia đang định hình lại mối quan hệ hợp tác với London trong bối cảnh hậu Brexit và trong bối cảnh liên minh xuyên Đại Tây Dương đang bị Tổng thống Mỹ Donald Trump thử thách nghiêm trọng. Theo trang mạng Courrierinternational.com, Pháp hoan nghênh việc “thiết lập lại” quan hệ Đức-Anh, bao gồm cả trong lĩnh vực quốc phòng. 

Những bước đi cụ thể thúc đẩy hợp tác song phương

Trong khuôn khổ chuyến thăm London, Thủ tướng Merz và Thủ tướng Starmer sẽ ký thỏa thuận song phương đầu tiên giữa hai nước, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước.

Theo tờ Le Monde, Berlin và London trước đây không bị ràng buộc bởi bất kỳ hiệp ước hữu nghị nào. Mặc dù quan hệ ngoại giao và thương mại rất gần gũi kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, ít nhất là cho đến Brexit, hai quốc gia này chưa bao giờ cảm thấy cần phải thông qua một văn bản song phương như Hiệp ước Élysée hay Aix-la-Chapelle (giữa Pháp và Đức) hay Hiệp định Lancaster House (giữa Pháp và Anh).

Tuy nhiên, chuyến thăm Anh của Thủ tướng Merz lần này sẽ được đánh dấu bằng việc ký kết Hiệp ước hữu nghị Đức - Anh. Văn kiện này, vốn đã được chuẩn bị dưới thời chính phủ Đức tiền nhiệm, được tính đến những thực tế mới phát sinh từ Brexit, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, và những bất ổn xung quanh sự tham gia của Mỹ trong NATO dưới thời Tổng thống Donald Trump. Hiệp ước này là đỉnh điểm của các cuộc thảo luận được khởi xướng bởi Hiệp định Trinity House được ký kết vào tháng 10 năm ngoái giữa các Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Anh.

Trọng tâm của Hiệp ước này là tăng gấp đôi điều khoản hỗ trợ lẫn nhau so với điều khoản hỗ trợ của NATO, mà cả Anh và Đức đều là thành viên. Sự đảm bảo an ninh của “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ thông qua NATO vẫn là ”trung tâm và không thể thay thế”. Tuy nhiên, văn kiện này thể hiện mong muốn của các cường quốc châu Âu trong việc tự bảo vệ mình khỏi sự bỏ rơi của Washington. Ngoài việc tổ chức các cuộc tập trận chung để bảo vệ sườn phía đông của NATO, Hiệp ước hữu nghị Đức-Anh còn quy định về việc cùng phát triển tên lửa thông thường có tầm bắn hơn 2.000km…

Berlin và London cũng có thể hợp tác - ở một mức độ nào đó - hoặc ít nhất là làm cho các dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của họ tương thích hơn. Đức đang phát triển Hệ thống Không quân chiến đấu tương lai (FCAS) với Pháp và Tây Ban Nha. Về phần mình, Anh, Italy và Nhật Bản đang phát triển một hệ thống cạnh tranh với FCAS.

Ngoài an ninh và quốc phòng, Hiệp ước hữu nghị Đức - Anh còn bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác, như: Tư pháp và di cư, kinh tế, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo… Việc di chuyển của thanh thiếu niên, đặc biệt là việc đi học, vốn đã trở nên phức tạp hơn kể từ khi Anh rời khỏi EU, cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Để biến cam kết thành hiện thực, việc ký kết hiệp ước hữu nghị này sẽ đi kèm với một kế hoạch hành động cụ thể. Theo Berlin, đây là cách để đảm bảo công tác triển khai hiệp ước được bắt đầu ngay lập tức và sẽ có những bước đi cụ thể tiếp theo.

PHƯƠNG LINH (theo Le Monde, Courrierinternational)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.