Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Israel tiến hành các cuộc không kích dữ dội vào thủ đô Damascus của Syria, phá hủy một phần trụ sở Bộ Quốc phòng nước này và khu vực gần dinh tổng thống. Các cuộc tấn công đánh dấu sự leo thang đáng kể của Israel chống lại chính quyền Tổng thống Sharaa, bất chấp “mối quan hệ nồng ấm” giữa nhà lãnh đạo Syria với Washington cũng như các mối quan hệ an ninh đang phát triển giữa Damascus và Tel Aviv, theo Reuters. Lý giải cho các cuộc tấn công, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Tel Aviv đang "nỗ lực cứu những người anh em Druze của chúng ta", trong khi Tổng thống Syria Sharaa cáo buộc Israel gây ra "leo thang căng thẳng trên diện rộng".

Bộ Nội vụ Syria cho hay một lệnh ngừng bắn đã được thống nhất nhằm chấm dứt giao tranh ở thành phố Suweida (ảnh minh họa). Ảnh: REUTERS

Với cáo buộc rằng “những người cai trị mới của Syria là những chiến binh thánh chiến trá hình”, Israel cho biết sẽ không để Chính phủ Syria điều quân vào miền Nam Syria và tuyên bố Tel Aviv sẽ bảo vệ cộng đồng người Druze ở khu vực này khỏi các cuộc trấn áp của quân đội chính phủ. "Chúng tôi sẽ không để miền Nam Syria trở thành thành trì khủng bố", Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Israel Eyal Zamir khẳng định.

Hơn 350 người được cho đã thiệt mạng kể từ đầu tuần qua, khi các cuộc đụng độ giữa lực lượng dân quân Druze và các bộ tộc Bedouin nổ ra tại Suweida ở miền Nam Syria. Đụng độ lan rộng khiến Chính phủ Syria phải điều động lực lượng vũ trang tới trấn áp tình hình. Sự việc trở nên phức tạp sau khi Israel tấn công Bộ Quốc phòng Syria ở Damascus và lực lượng chính phủ ở miền Nam Syria ngày 16-7 với lý do “bảo vệ người Druze tại Syria”. Phản ứng trước vụ việc, Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố, “các cuộc tấn công trắng trợn một cách có chủ ý của Israel nhằm gây căng thẳng, gieo rắc hỗn loạn, phá hoại an ninh và ổn định ở Syria, vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên hợp quốc và luật nhân đạo quốc tế".

Theo Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA, sau khi "hoàn tất cuộc truy đuổi các nhóm ngoài vòng pháp luật", hiện quân đội Syria đã rút khỏi Suweida theo một thỏa thuận giữa chính phủ và các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Suweida. Bộ Ngoại giao Syria cũng bày tỏ "hoan nghênh những nỗ lực của Mỹ và các nước Arab" nhằm "giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại" một cách hòa bình.

Để hiểu rõ, người Druze là một nhóm thiểu số dân tộc-tôn giáo nói tiếng Arab sinh sống ở Syria, Lebanon, Israel và Cao nguyên Golan, được Israel coi là những đồng minh trung thành, với nhiều người Druze đang phục vụ trong quân đội Israel. Kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ vào tháng 12 năm ngoái, người Druze đã phản đối các nỗ lực của chính phủ mới nhằm áp đặt quyền kiểm soát lên miền Nam Syria. Cùng thời gian này, Israel tích cực tiếp cận cộng đồng người Druze gần biên giới phía Bắc nhằm thiết lập liên minh với các nhóm thiểu số ở Syria và tự định vị mình là “người bảo vệ cho các nhóm thiểu số”, trong đó có người Druze, BBC cho hay, dẫn một số nhận định rằng đây không loại trừ là “tham vọng bành trướng” của Israel trong khu vực.

Hồi đầu năm, Thủ tướng Israel từng nêu yêu cầu phi quân sự hóa hoàn toàn Suweida và hai tỉnh miền Nam khác của Syria, là những khu vực chiến lược quan trọng gần biên giới với cả Israel và Jordan. Nhà lãnh đạo Israel tuyên bố nhóm Hồi giáo Sunni Hayat Tahrir al-Sham (HTS) của Tổng thống Sharaa là một mối đe dọa an ninh đối với Tel Aviv.

Trong một diễn biến liên quan, một số quốc gia Arab bao gồm Lebanon, Iraq, Qatar, Jordan, Ai Cập, Kuwait và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án các cuộc không kích của Israel nhằm vào chính phủ và lực lượng vũ trang Syria. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này đã dừng mọi hoạt động thương mại với Israel và triệu hồi đại sứ tại Tel Aviv để tham vấn.

HÀ PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.