Môi trường số, nếu được hướng dẫn đúng cách, chính là nơi người khuyết tật có thể học nghề, làm nghề và tự chủ sinh kế một cách bình đẳng. Với mục tiêu đó, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam (SYS Việt Nam), Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX) thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật.
 |
Người khuyết tật tìm việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hà Nội. Ảnh: XUÂN CƯỜNG
|
Theo nội dung ký kết, 3 đơn vị sẽ phối hợp tổ chức chuỗi tập huấn, cung cấp tài nguyên học tập và kết nối cộng đồng nhà sáng tạo, đồng thời hỗ trợ xây dựng kênh phân phối sản phẩm phù hợp thông qua các nền tảng số như TikTok shop, livestream bán hàng, tiếp thị liên kết, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất video ngắn, tổ chức livestream bán hàng, cũng như sử dụng công cụ phân tích dữ liệu để tối ưu hóa hiệu quả truyền thông và doanh thu. Ngoài ra, học viên còn được hướng dẫn cách định vị giá trị cá nhân, xây dựng thương hiệu, kể câu chuyện cuộc sống như một chiến lược kết nối cảm xúc với khách hàng và phát triển nghề nghiệp bền vững trong môi trường số.
Đặc biệt, chương trình được thiết kế theo mô hình kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Học viên được chia nhóm, xây dựng kịch bản, quay video, thử nghiệm livestream ngay tại studio thực tế. Các phiên thực hành có phần phản biện và góp ý trực tiếp từ giảng viên, giúp học viên từng bước hoàn thiện kỹ năng, làm chủ công cụ trong hành trình chuyển đổi số.
Chương trình khởi nghiệp số cho người khuyết tật không chỉ là một bước đi thiết thực, mà còn là minh chứng cho một xã hội tiến bộ, nơi mọi cá nhân đều có cơ hội bình đẳng để vươn lên, phát triển và cống hiến. Kỳ vọng vào sự hỗ trợ hiệu quả của chương trình, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam bày tỏ, hầu hết người khuyết tật không mong sự thương hại mà cần sự công nhận và trao quyền. Khát vọng của hàng triệu người khuyết tật Việt Nam là có một nghề, có cơ hội làm chủ cuộc đời, được đóng góp, sống có ích.
Chia sẻ với quan điểm này, ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Trung tâm SYS Việt Nam nhấn mạnh, người khuyết tật không chỉ cần mà còn xứng đáng được trao cơ hội để học tập, lao động và sống bằng chính khả năng của mình. Khởi nghiệp số cho người khuyết tật là một bước đi cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tinh thần Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng trên hết, chương trình mở ra cánh cửa cơ hội cho hàng triệu người khuyết tật tại Việt Nam tiếp cận bình đẳng với môi trường làm việc hiện đại và công nghệ số.
KHÁNH AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.