Đây là khoản hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay của Chính phủ Hàn Quốc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc sẽ trợ giúp các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp mạo hiểm trong ngành hiện thực hóa ý tưởng của họ ngay từ giai đoạn đầu lập kế hoạch và phát triển sản phẩm. Chính phủ cũng sẽ chi 56,4 tỷ won trong năm nay cho chương trình đào tạo 10.000 chuyên gia có năng lực sáng tạo nội dung bằng công nghệ mới trong vòng 3 năm tới. 

leftcenterrightdel

Đoàn làm phim “Squid Game” tại cuộc họp báo ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc sau thành công tại Lễ trao giải Emmy 2022. Ảnh: Yonhap

Kế hoạch này được đưa ra khi ngành công nghiệp nội dung đã trở thành ngành dẫn đầu trong xuất khẩu của Hàn Quốc. Trong những năm gần đây, các sản phẩm văn hóa đại chúng Hàn Quốc như phim ảnh, phim truyền hình và nhạc pop, còn được gọi là làn sóng Hàn (hallyu), đã bùng nổ trên toàn cầu.

Ngành công nghiệp nội dung là một thuật ngữ chung chỉ các tổ chức cung cấp các tác phẩm có bản quyền cho công chúng, chẳng hạn như: Âm nhạc, trò chơi, phim, quảng cáo... Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu nội dung văn hóa của nước này đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 12,4 tỷ USD vào năm 2021 do sự bùng nổ toàn cầu của văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Con số này vượt xa kim ngạch xuất khẩu trong các lĩnh vực như thiết bị gia dụng (8,67 tỷ USD), pin sạc (8,67 tỷ USD), xe điện (6,99 tỷ USD) và màn hình (3,6 tỷ USD). Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Park Bo-gyoon, dù tình hình kinh tế có thể khó khăn trong năm nay, lĩnh vực phát triển các nội dung văn hóa được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.

TÚ ANH