Sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), mối quan hệ giữa Washington và London vấp phải nhiều trở ngại. Một trong số đó là bất đồng liên quan đến chính sách về Bắc Ireland. Chính vì thế, một số chuyên gia phân tích nhận định, cách thức nhà lãnh đạo mới của Anh giải quyết khúc mắc với EU trong vấn đề Bắc Ireland cũng sẽ quyết định mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt là về thương mại giữa Mỹ và Anh. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre mới đây cảnh báo, việc Anh tìm cách xóa bỏ một số quy định về thương mại hậu Brexit sẽ không tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh được chờ đợi từ lâu.

Đã hơn 75 năm trôi qua kể từ khi cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill ra tuyên bố về “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai quốc gia, điều mà các nhà lãnh đạo của cả hai nước nhiều lần nhấn mạnh tới trong nhiều thập kỷ qua. Dù đã qua thời kỳ “mặn nồng” nhưng những mối đe dọa và lợi ích chung vẫn tiếp tục gắn kết hai quốc gia này với nhau trong cách thức giải quyết các vấn đề Iran, sự trỗi dậy của Nga, thương mại tự do và các vấn đề kinh tế... Tuy nhiên, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng có không ít vết nứt. Cựu Thủ tướng Tony Blair từng bị chỉ trích mạnh mẽ ở trong nước vì ủng hộ cuộc chiến của Mỹ tại Iraq năm 2003, hay việc cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama không hài lòng với chi tiêu quốc phòng và cách xử lý của Anh đối với cuộc khủng hoảng tại Libya năm 2011.

leftcenterrightdel

Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân đã đến Anh. Ảnh: AP 

Trên thực tế, kể từ lần đầu tiên được bầu vào Nghị viện Anh năm 2010, tân Thủ tướng Anh Liz Truss không có nhiều tương tác với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngoại trừ lần bà tháp tùng cựu Thủ tướng Boris Johnson trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi năm 2021 hay cuộc điện thoại chúc mừng mới đây của nhà lãnh đạo Mỹ. 

Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Anh lại cho thấy khá nhiều điểm tương đồng, trong đó phải kể tới chính sách cứng rắn với Nga và Trung Quốc. Đây cũng là lý do tờ Washington Post cho rằng, Anh là một đồng minh mà Mỹ rất cần vào lúc này để thống nhất các đồng minh châu Âu đang bị chia rẽ hơn lúc nào hết do cuộc xung đột tại Ukraine.

Cũng giống như ông Biden, bà Truss phải đối mặt với không ít thách thức về việc làm thế nào vực dậy nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kéo dài trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, làm thế nào để cải thiện đời sống người dân khi mà hóa đơn năng lượng, giá sinh hoạt cứ tăng chóng mặt....

Trong khi đó, cả Mỹ, Anh và EU đều đang hướng sự chú ý vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới tại xứ cờ hoa. Bởi đây sẽ là tiền đề để Tổng thống Biden có thể tiếp tục hiện thực hóa chính sách đối ngoại với tham vọng đưa “Nước Mỹ trở lại, sẵn sàng dẫn dắt trật tự thế giới”, sau 4 năm người tiền nhiệm Donald Trump của Đảng Cộng Hòa thúc đẩy đường lối đối ngoại biệt lập “Nước Mỹ trên hết” của mình. Những dấu hiệu cải thiện quan hệ với đồng minh quan trọng là Anh chắc chắn sẽ góp phần giúp ông Biden ghi điểm trước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra.

Về phần mình, ngồi vào "ghế nóng" trong bối cảnh Anh đang đứng trước những gì mà các nhà nghiên cứu gọi là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, bà Truss rất cần một "bàn đạp" để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giải quyết những vấn đề dài hạn về nguồn cung năng lượng. Thắt chặt quan hệ với Mỹ-cường quốc kinh tế và cũng là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất nhì thế giới-hẳn sẽ là "chìa khóa" có thể tháo gỡ những khó khăn hiện nay mà Anh đang gặp phải.

BẢO CHÂU