RT mới đây dẫn lời Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom tuyên bố quan điểm của chính phủ nước này là cấm vũ khí hạt nhân trên đất Thụy Điển. “Chúng tôi chưa bao giờ có ý định thay đổi các điều kiện trong đơn xin gia nhập NATO mà chính phủ trước đây đã gửi đi”, Ngoại trưởng Billstrom khẳng định. Theo Ngoại trưởng Billstrom, Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO mà không có điều kiện tiên quyết nào. Trong khi khẳng định Stockholm cần phải được kết nạp vào NATO trước khi thông báo cho liên minh quân sự về việc họ được phép và không được phép làm gì trên lãnh thổ Thụy Điển, Ngoại trưởng Billstrom tuyên bố những tranh cãi về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này đang bị phóng đại quá mức. Thụy Điển sẽ tiếp bước các nước thành viên NATO như Na Uy và Đan Mạch trong việc cấm vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ.

Trước đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tuyên bố nước này không có ý định cho phép triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình. Theo RT, mặc dù nhấn mạnh vũ khí hạt nhân là nền tảng cho năng lực răn đe của NATO, Tổng thống Niinisto khẳng định không hề có dấu hiệu nào cho thấy “có bất kỳ quốc gia nào tiếp cận Helsinki với lời đề xuất như vậy”.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (bên phải) và người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson tại cuộc họp báo ở Helsinki, ngày 1-11-2022. Ảnh: Reuters. 

Tuyên bố của Ngoại trưởng Thụy Điển Billstrom và Tổng thống Phần Lan Niinisto được cho là “làm rõ” phát biểu của Thủ tướng hai nước hồi đầu tháng 11 vừa qua. Theo đó, tại cuộc họp báo ở thủ đô Helsinki, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson đã để ngỏ khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ khi Helsinki và Stockholm gia nhập NATO. Khi được hỏi liệu Phần Lan và Thụy Điển có chấp nhận vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của họ hay không, Thủ tướng Marin khẳng định “không nên đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào” và “chúng tôi không muốn đóng bất kỳ cánh cửa nào cho tương lai”. Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Kristersson tuyên bố có “câu trả lời tương tự”.

Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5-2022, qua đó từ bỏ quan điểm trung lập trong nhiều thập niên. Tờ Politico cho biết, hiện đã có 28/30 quốc gia thành viên NATO phê chuẩn việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, ngoại trừ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo quy định, việc kết nạp một thành viên mới yêu cầu sự đồng thuận của tất cả thành viên NATO. Hôm 9-11, Reuters dẫn lời ông Gergely Gulyas, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary cho biết Quốc hội nước này sẽ thảo luận việc phê chuẩn văn kiện gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan trong phiên họp mùa thu này; khẳng định Thụy Điển và Phần Lan “là đồng minh của chúng tôi và họ có thể tin tưởng vào chúng tôi”. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara lâu nay cáo buộc Helsinki và Stockholm chứa chấp những đối tượng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Trong một động thái nhượng bộ, vào tháng 6-2022, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển đã ký kết một bản ghi nhớ, trong đó bao gồm các điều khoản về dẫn độ và chia sẻ thông tin. Mới đây nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo Ankara sẽ không phê chuẩn việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO cho đến khi nào hai quốc gia Bắc Âu thực hiện “các bước đi cần thiết”. Tổng thống Erdogan lưu ý rằng các nỗ lực của Phần Lan và Thụy Điển “sẽ quyết định thời điểm kết thúc quá trình xem xét đơn xin gia nhập cũng như tiến trình phê duyệt”. Trong khi đó, Tổng thống Phần Lan Niinisto tin rằng tư cách thành viên NATO sẽ trở thành hiện thực “trong một khung thời gian hợp lý”.

HOÀNG VŨ