Hội nghị diễn ra trong bối cảnh liên minh quân sự này đang đối mặt với những thách thức chưa từng có liên quan tới tình hình chiến sự tại Ukraine.

Tại hội nghị, nguyên thủ 30 quốc gia thành viên khối quân sự lớn nhất thế giới sẽ thảo luận về tình hình cuộc xung đột tại Ukraine, các hỗ trợ quân sự với Ukraine, việc thay đổi chiến lược và học thuyết chiến tranh của NATO, quyết định tái bố trí lực lượng của NATO tại sườn đông châu Âu cũng như việc kết nạp hai nước Phần Lan và Thuỵ Điển vào NATO.

leftcenterrightdel
 Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid. Ảnh: AP

Theo CNN, điều đặc biệt quan trọng là tại hội nghị này, NATO sẽ thông qua "Khái niệm chiến lược mới"-văn kiện phác thảo những ưu tiên chiến lược mới của khối này sau 12 năm chưa được cập nhật kể từ Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Lisbon năm 2010.

Nhà Trắng cho biết những ưu tiên này bao gồm xây dựng khả năng phục hồi chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia bao gồm không gian mạng, biến đổi khí hậu và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước đối tác ở châu Âu và châu Á để củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Báo El Pais của Tây Ban Nha đánh giá hội nghị này sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử NATO thời hậu Chiến tranh Lạnh, khi liên minh này dự kiến trải qua "một kiểu tái thành lập" thông qua khái niệm chiến lược mới

Cũng theo tiết lộ của báo này, NATO sẽ thay đổi đáng kể định nghĩa về Nga trong khái niệm chiến lược mới. Theo đó, nhiều khả năng Nga sẽ được định nghĩa là "mối đe dọa trực tiếp" với các quốc gia thành viên NATO. Đây cũng là điều đã được nhiều chuyên gia phân tích dự đoán xuất phát từ thực tế mối quan hệ giữa Nga và NATO đã xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, liên quan tới xung đột tại Ukraine và việc NATO mở rộng thành viên.

Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nêu rõ: “Hội nghị thượng đỉnh tại Madrid có ý nghĩa quyết định và mang tính chuyển đổi đối với NATO. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh mang tính lịch sử vì nhiều lý do.

Trước hết, cuộc họp của 30 đồng minh sẽ diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Thứ hai, hội nghị mang tính lịch sử vì chúng tôi sẽ đưa ra nhiều quyết định quan trọng. Chúng tôi sẽ nhất trí về sự chuyển đổi lớn nhất của công tác phòng thủ tập thể kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”.

Về việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, Tổng thư ký NATO cho biết các lãnh đạo NATO sẽ thông qua gói trợ giúp tăng cường toàn diện cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp ngay lập tức hệ thống liên lạc bảo mật, hệ thống chống máy bay không người lái cũng như nhiên liệu.

Một nội dung quan trọng khác trong chương trình nghị sự của hội nghị là vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng, một chủ đề gây tranh cãi mấy năm gần đây trong nội bộ NATO. Các nước thành viên NATO đã cam kết dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024, nhưng chỉ 9 trong số 30 thành viên đạt được mục tiêu này vào năm 2022.

Theo bà Kori Schake, Giám đốc Nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ: Hội nghị thượng đỉnh NATO cũng sẽ tập trung vào mục tiêu xây dựng lại sự đoàn kết giữa các nước thành viên trong bối cảnh đang có những chia rẽ liên quan tới việc kết nạp Phần Lan và Thuỵ Điển.

Bên cạnh đó, những thách thức về kinh tế xuất phát từ tình trạng giá khí đốt và lương thực tăng cao cũng đặt ra câu hỏi: Liệu phản ứng thống nhất của phương Tây đối với cuộc xung đột ở Ukraine có thể duy trì lâu tới đâu khi chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu?

HÀ LAN