Theo Euronews, COP28 dự kiến diễn ra tại Dubai từ ngày 30-11 đến 12-12 tới. Tuy nhiên, sự kiện này thường kéo dài so với dự kiến. Năm 2022, COP27 ở thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập đã phải kéo dài hai ngày so với kế hoạch ban đầu để đạt được thỏa thuận cuối cùng. Dự kiến, có khoảng 70.000 đại biểu tham dự COP28, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, đại diện của các tổ chức về môi trường, tổ chức tư vấn, doanh nghiệp...

COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động toàn cầu về BĐKH. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tác động khủng khiếp của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách. Các nhà khoa học nhận định, thế giới không còn nhiều thời gian hành động để giữ mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Thỏa thuận Paris tại COP21 vào năm 2015. Ủy ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) của LHQ cho rằng mục tiêu này là rất quan trọng để tránh những hậu quả thảm khốc của BĐKH. Phát biểu tại cuộc họp trù bị cho COP28 mới đây tại thủ đô Abu Dhabi, Phó tổng thư ký LHQ Amina J. Mohammed cho rằng COP28 cần phải có hành động dứt khoát trước những phát hiện đáng báo động của các nhà khoa học cũng như những lỗ hổng hiện nay trong phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng khí hậu.

leftcenterrightdel
Quả cầu in logo COP28 tại UAE được trưng bày trong Tuần lễ Phát triển bền vững ở thủ đô Abu Dhabi hồi tháng 1-2023. Ảnh: Reuters 

Nước chủ nhà UAE thông báo COP28 sẽ tập trung vào 4 mục tiêu chính. Cụ thể là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, có trật tự và bình đẳng; giải quyết vấn đề tài chính khí hậu; đặt thiên nhiên, cuộc sống và sinh kế của người dân vào trung tâm của hành động vì khí hậu và nỗ lực để đưa COP28 thành hội nghị toàn diện nhất từ trước đến nay. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng dự kiến sẽ là vấn đề chính khi các quốc gia vẫn còn chia rẽ về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên thế giới. Liên minh châu Âu (EU) đang muốn thúc đẩy một thỏa thuận đầu tiên trên thế giới nhằm loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gồm than, dầu và khí đốt trên toàn cầu. Tuy nhiên, các khối và các quốc gia khác tham gia đàm phán tại COP28 có thể sẽ phản đối điều này. Những nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn như Saudi Arabia và các nước đang phát triển hiện đang dựa vào nguồn nhiên liệu này để thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh đó, tài chính khí hậu cũng dự kiến là một vấn đề được quan tâm thảo luận tại COP28. Tại COP27 vào năm ngoái, các bên tham gia đã thống nhất thành lập quỹ chi trả cho những tổn thất mà các nước dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của BĐKH. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về cách thức hoạt động của quỹ.

Trả lời phỏng vấn của The National, ông Johan Rockström, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam ở Đức cho rằng COP28 là cơ hội cuối cùng để đưa ra những cam kết đáng tin cậy về việc bắt đầu cắt giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. Ông Rockström nhấn mạnh: “Chúng ta cần có những kết quả đáng tin cậy ở Dubai để bắt đầu giảm lượng khí thải từ dầu, than và khí đốt”. Theo ông, mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C là “không thể thương lượng”.

Cộng đồng quốc tế hy vọng các nhà đàm phán sẽ nỗ lực vượt qua khác biệt, tháo gỡ bất đồng để đạt được tiếng nói chung về các giải pháp có ý nghĩa trong hai tuần diễn ra COP28. “Chúng ta hãy đoàn kết với nhau khi biết rằng BĐKH là thách thức chung của chúng ta”, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC) Simon Stiell nhấn mạnh.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.