Theo Reuters, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản ở Nhà Trắng hôm 13-1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng, Washington và Tokyo chưa bao giờ xích gần hơn thế, đồng thời nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh Nhật Bản. Nhà lãnh đạo Mỹ gọi đây là “thời khắc đáng chú ý” trong liên minh Mỹ-Nhật.
Tổng thống Joe Biden khẳng định, Mỹ cam kết một cách toàn diện, triệt để và trọn vẹn với liên minh an ninh Mỹ-Nhật, đặc biệt hơn cả là trong việc bảo vệ Nhật Bản. Ông Joe Biden cho rằng hai bên đang hiện đại hóa liên minh này, dựa trên việc Nhật Bản gia tăng chi tiêu quốc phòng và đưa ra chiến lược an ninh quốc gia mới. Về phần mình, Thủ tướng Kishida cho rằng, Nhật Bản và Mỹ đang đối mặt với một “môi trường an ninh phức tạp”, đồng thời cho biết sự thay đổi mới nhất trong chính sách quốc phòng của Tokyo sẽ góp phần tăng cường “khả năng răn đe” cùng với Washington.
 |
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ tại Nhà Trắng ngày 13-1. Ảnh: Reuters
|
Theo tuyên bố chung sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản đã chỉ thị cho các bộ trưởng của mình tăng cường hợp tác trong việc phát triển và sử dụng hiệu quả năng lực phản công của Nhật Bản cũng như các năng lực khác. Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ cho biết hai nước “đã sắp xếp thế trận tập thể và khả năng răn đe để đối phó với các mối đe dọa mới và đang nổi lên, bao gồm cả trong lĩnh vực không gian mạng và vũ trụ”, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân vì mục đích an ninh năng lượng.
Sau chuyến thăm tới Mỹ của Thủ tướng Kishida, mối quan hệ đồng minh bền chặt Mỹ-Nhật đã được nâng lên một tầm mức mới, một phần có liên quan tới những thay đổi về chính sách quốc phòng, an ninh của Nhật Bản. Thay đổi đáng chú ý nhất trong chiến lược quốc phòng mới công bố hồi tháng 12 năm ngoái của Nhật Bản là tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách triển khai khả năng phản công. Tại cuộc gặp ở Washington, Mỹ đã nhắc lại cam kết vững chắc của mình đối với việc bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, sử dụng toàn bộ khả năng của mình, bao gồm cả việc sử dụng hạt nhân.
Trước khi tới Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản đã thăm Italy, Pháp, Anh và Canada. Tại mỗi quốc gia, nhà lãnh đạo Nhật Bản đều nhấn mạnh mối lo ngại về an ninh quốc gia trong bối cảnh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh là chương trình nghị sự nổi bật của Thủ tướng Kishida.
Việc tìm kiếm các đối tác an ninh mới của Nhật Bản nằm trong nỗ lực thúc đẩy năng lực quốc phòng, đặc biệt là khả năng tự cường chứ không chỉ dựa phần lớn vào đồng minh như trước đây. Những nỗ lực này của Nhật Bản nhận được sự đồng tình và cũng nằm trong lợi ích của Mỹ bởi Tokyo tập trung vào các quốc gia cũng đang là đồng minh của Mỹ, bao gồm Anh, Pháp và Australia. Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật ở Washington nêu rõ: “Mỹ ủng hộ mạnh mẽ những đổi mới trong chính sách an ninh quốc gia của Nhật Bản, xem đó như là một sự phát triển quan trọng giúp củng cố khả năng răn đe của liên minh”. Tokyo cũng đang tìm kiếm mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Cũng cần nhấn mạnh rằng, trong chuyến thăm tới Anh, Nhật Bản đã ký với Anh thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) mang tính bước ngoặt, cho phép hai nước có thể vận chuyển vũ khí qua lại để tiến hành các cuộc tập trận chung hay các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ thảm họa.
Những ưu tiên trong thúc đẩy hợp tác an ninh của Nhật Bản cho dù thế nào cũng thể hiện rõ với đồng minh Washington. Đơn cử ngay sau khi ông Kishida bắt đầu lên đường công du châu Âu và Bắc Mỹ, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước đã họp tại Washington để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Thủ tướng Kishida và Tổng thống Joe Biden. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy các chương trình nghị sự ưu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 do Tokyo đăng cai sẽ diễn ra trong khoảng 4 tháng nữa.
HẠNH NGUYÊN