Trong một bài viết mới đây, trang mạng Breaking Defense cho biết, kể từ khi AUKUS hình thành vào tháng 9-2021, New Zealand đã lưỡng lự về việc tham gia AUKUS. Giới chức Chính phủ New Zealand không ít lần đưa ra những thông điệp trái ngược nhau, thậm chí từng có người tuyên bố "ưu tiên những cơ chế khác" hơn AUKUS. Thế nhưng, sau cuộc tổng tuyển cử tại New Zealand vào giữa tháng 10 vừa qua, trang mạng Breaking Defense cho rằng khả năng quốc gia này tham gia AUKUS đã "gia tăng đáng kể" và những ai từng hy vọng Wellington đóng một vai trò nào đó trong AUKUS "giờ cũng nên vui mừng". Bằng chứng là Thủ tướng đắc cử của New Zealand Christopher Luxon đã tuyên bố sẽ xem xét "cách thức chúng tôi tham gia AUKUS" và "tìm hiểu khả năng tham gia trụ cột 2 của AUKUS".
Trên thực tế, Mỹ đã không ít lần khẳng định cánh cửa tham gia AUKUS luôn mở với New Zealand-một thành viên của liên minh tình báo “Ngũ nhãn” (gồm Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand). Hồi tháng 7 vừa qua, đài RNZ dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố New Zealand và các đối tác khác có thể tham gia AUKUS khi họ thấy phù hợp. "New Zealand là một đối tác tin cậy sâu sắc của chúng tôi và hiển nhiên là một thành viên "Ngũ nhãn". Chúng tôi lâu nay đã hợp tác với nhau trong những vấn đề an ninh quan trọng nhất", Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh. Trong một báo cáo hồi tháng 6-2023, Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) cũng đề xuất Đồi Capitol xem xét việc yêu cầu Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ mở rộng trụ cột 2 của AUKUS nhằm bổ sung các quốc gia khác tham gia, đặc biệt là New Zealand và Canada-hai thành viên còn lại của "Ngũ nhãn".
 |
Thủ tướng đắc cử của New Zealand Christopher Luxon tuyên bố sẽ "tìm hiểu khả năng tham gia trụ cột 2 của AUKUS". Ảnh: AP
|
Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, AUKUS được chia thành hai trụ cột. Trụ cột 1 là trọng tâm của AUKUS với mục tiêu cung cấp cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trước Australia, Anh là quốc gia đồng minh duy nhất được Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân nhạy cảm theo hiệp định phòng thủ chung ký kết năm 1958. CSIS nhấn mạnh, trong khi trụ cột 1 "mang tính lịch sử" thì trụ cột 2 của AUKUS hứa hẹn "mang tính cách mạng" với mục tiêu là "tăng cường các tiềm lực chung cũng như khả năng hiệp đồng". Trụ cột 2 của AUKUS liên quan tới 8 lĩnh vực, gồm: Các năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), các năng lực mạng tân tiến, các năng lực siêu thanh và chống vũ khí siêu thanh, tác chiến điện tử, đổi mới sáng tạo và chia sẻ thông tin. "Những lĩnh vực nói trên có thể làm thay đổi cuộc chơi, bảo đảm lợi thế về kinh tế và quân sự trong tương lai của các quốc gia thành viên AUKUS, làm thay đổi bản chất của cuộc cạnh tranh giành tầm ảnh hưởng toàn cầu", CSIS đánh giá.
Hồi tháng 3 năm nay, lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia đã công bố lộ trình cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ trụ cột 1 của AUKUS. Đầu tiên, Mỹ sẽ bán 3 tàu ngầm lớp Virginia cho Australia vào đầu thập niên 2030 và Canberra có thể mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết. Trong giai đoạn tiếp theo, Anh và Australia sẽ hợp tác chế tạo lớp tàu ngầm mới SSN-AUKUS và Australia sẽ nhận được chiếc đầu tiên của mình vào đầu thập niên 2040. Theo CSIS, vì lộ trình cụ thể của trụ cột 1 đã được công bố rõ ràng như vậy nên có lẽ các quốc gia thành viên AUKUS hiện đang tập trung vào trụ cột 2, "xét tới tiềm năng của nó". Tuy nhiên, khác hẳn so với trụ cột 1, có rất ít thông tin liên quan tới trụ cột 2 của AUKUS được công bố ngoại trừ danh sách 8 lĩnh vực kể trên. "Việc khai phá tiềm năng to lớn của trụ cột 2 trong ngắn hạn và dài hạn sẽ đòi hỏi các quốc gia thành viên AUKUS phải vượt qua hàng loạt thách thức nghiêm trọng, nhất là liên quan tới hợp tác đa quốc gia, chia sẻ thông tin, kiểm soát xuất khẩu và công nghệ. Trụ cột 2 của AUKUS có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào việc biến ý chí chính trị mạnh mẽ mà các quốc gia thành viên đã thể hiện thành một nhận thức chung mới", CSIS nhận định.
HOÀNG VŨ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.