* Ngày 18-5, Thủ tướng Nhật Bản và người đồng cấp Vương quốc Anh đã ký “Hiệp ước Hiroshima” trước thềm cuộc họp G7, nhằm tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực trong đó đặc biệt nhấn mạnh hợp tác quốc phòng. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng sẽ đến thăm một căn cứ hải quân của Nhật Bản trước khi xác nhận chính thức quan hệ hợp tác quốc phòng tăng cường giữa 2 nước.

Từ góc nhìn quân sự, các chuyên gia cho rằng Hiệp ước Hiroshima có thể là bàn đạp để Vương quốc Anh tăng cường hiện diện quân sự ở khu châu Á - Thái Bình Dương và mở ra khả năng cho Nhật Bản tham gia Thỏa thuận đối tác an ninh AUKUS.

Thời báo Hoàn cầu nhận định, hiệp ước “lịch sử” như thông báo từ website chính thức của chính phủ Anh, có thể sẽ gây bất ổn trong khu vực. 

Hiệp ước Hiroshima sẽ cho phép Anh tăng gấp đôi số lượng binh sĩ tham gia các cuộc tập trận chung, cam kết triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2025 và nhất trí về một điều khoản tham vấn chính thức, theo đó Anh và Nhật Bản sẽ tham vấn lẫn nhau về các vấn đề an ninh quan trọng trong khu vực và toàn cầu cũng như xem xét các biện pháp đối phó.

* Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích quyết định điều tàu khu trục của Mỹ tới Cyprus trong tuần này và cáo buộc Washington đang làm gia tăng căng thẳng ở khu vực phía đông Địa Trung Hải, “phá vỡ cân bằng” trong khu vực, gây “ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ” và làm tổn hại “quan điểm trung lập lâu nay của Washington” đối với hòn đảo này.

leftcenterrightdel

Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Mỹ điều tàu khu trục USS Arleigh Burke đến Cyprus. Ảnh: Getty Images 

Trước đó, ngày 16-5 Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Arleigh Burke đến thành phố Limassol. Năm ngoái, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài hàng thập kỷ đối với chính phủ Cyprus gốc Hy Lạp được quốc tế công nhận ở phía Nam Cyprus. Ngay sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết tăng cường khả năng phòng thủ cho người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc, nước cộng hòa ly khai chỉ được Ankara công nhận.

Cyprus bị chia cắt từ năm 1974 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chiếm một phần ba phía Bắc hòn đảo với ý định bảo vệ người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ thiểu số sau một cuộc đảo chính do Athens hậu thuẫn.

* Anh khởi động chương trình phát triển năng lực phòng thủ tên lửa trị giá 125 triệu bảng (hơn 155 triệu USD)

Bộ Quốc phòng Anh ngày 18-5 ra thông báo sớm cho biết đã xây dựng các kế hoạch cho một chương trình nghiên cứu và phát triển năng lực phòng thủ tên lửa. Chương trình này hướng đến thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh mẽ và hiệu quả hơn, chống lại các mối đe dọa từ tên lửa đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tiên tiến.

leftcenterrightdel
Chương trình phát triển năng lực phòng thủ tên lửa của Anh trị giá 125 triệu bảng (hơn 155 triệu USD). Ảnh: UK Defence Journal 

Chương trình phát triển sẽ xoay quanh 5 trụ cột chính của phòng thủ tên lửa là Chống phổ biến và kiểm soát vũ khí, Răn đe, Lực lượng phản công, Phòng thủ chủ động và Phòng thủ thụ động. Bộ Quốc phòng Anh đóng vai trò là cơ quan ký kết hợp đồng và đang hoàn tất các thủ tục để bắt đầu tiến hành quy trình đấu thầu mua sắm.

Mặc dù Bộ Quốc phòng vẫn chưa công bố các chi tiết cụ thể của quy trình đấu thầu mua sắm nhưng giá trị lớn của hợp đồng này cho thấy tầm quan trọng của chương trình và tác động tiềm tàng của nó đối với khả năng phòng thủ tên lửa trong tương lai của Vương quốc Anh.

* Army Technology dẫn dự báo của công ty thông tin và phân tích dữ liệu hàng đầu GlobalData cho biết Italy sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên mức 38,5 tỷ USD vào năm 2028.

Những thay đổi thường xuyên trong chính phủ Italy khiến tăng trưởng chi tiêu quốc phòng trở nên khó khăn và các mục tiêu chiến lược cũng khó được xác định. Cụ thể, ngân sách quốc phòng của Italy tăng trưởng khiêm tốn từ 26,1 tỷ USD năm 2019 lên 31,8 tỷ USD năm 2021. Những bất ổn về kinh tế và tác động liên tục của đại dịch Covid-19 đã khiến ngân sách quốc phòng thậm chí giảm đi 2,3 tỷ USD, xuống còn 29,5 tỷ USD vào năm 2022.

leftcenterrightdel
Italy sẽ mua sắm nhiều vũ khí, khí tài mới trong đó có máy bay chiến đấu F-35 Lightning II. Ảnh: Không quân Mỹ qua trang DW 

Đây là thực tế khiến Thủ tướng đương nhiệm Giorgia Meloni chú trọng đưa ngân sách quốc phòng vào chương trình nghị sự của mình; theo đó, từ năm 2023 đến 2028, Italy dự kiến sẽ tăng thêm 8,2 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng.

Hiện Italy vẫn duy trì một quân đội khá lớn, bao gồm hơn 200 máy bay phản lực chiến đấu và một lực lượng hải quân lớn với năng lực đáng kể trong tác chiến tàu ngầm. Italy cũng là nước tham gia cam kết an ninh tập thể của NATO và nhiều hoạt động quân sự ở nước ngoài thuộc khối Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc. Ngoài ra, Italy hiện đang tiến hành các dự án mua sắm vũ khí mới, gồm tàu hộ tống tuần tra đa năng đóng theo mô-đun, tàu ngầm U-212 sử dụng hệ thống đẩy không dùng oxy lấy từ không khí (AIP), các biến thể A và B của máy bay chiến đấu F-35 Lightning II, và khoản đầu tư 7,1 tỷ USD vào Chương trình Không quân chiến đấu toàn cầu (GCAP).

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

QUÝ CHUNG (thực hiện)