Trong hàng quân, có thanh niên vui cười khi vẫy tay tạm biệt người thân; có chàng trai nước mắt ngắn dài tràn cả khuôn mặt; lại có người tranh thủ thời gian cho con ăn nốt bình sữa trước lúc lên đường, với nét mặt ưu tư... Nhìn các chàng trai hôm nay lại nhớ ngày chúng tôi lên đường nhập ngũ.
Đó cũng là một ngày mùa xuân cách đây 35 năm (ngày 5-3-1988). Quãng 6 giờ sáng, trời se lạnh lại lâm thâm mưa phùn. Chị gái thứ hai của tôi dắt xe đạp ra ngõ rồi bảo: Cậu đèo chị ra huyện, rồi lúc về chị đem xe về. Trên người tôi độc một bộ quần áo dân sự, vì nghe đồng chí xã đội trưởng nói, ra đến huyện thì thay quần áo bộ đội. Thế nên tôi cũng chả đem theo thứ gì khác cho phức tạp. U tôi không biết đi xe đạp nên chạy theo chị em tôi ra đến đầu làng, dúi cho tôi một nắm cơm nếp bảo “mày cầm đi ăn cho chắc dạ con ạ”.
Vậy là chị em tôi lên đường.
Đạp xe quãng non một giờ đồng hồ thì đến thị trấn Quế (Kim Bảng, Hà Nam). Ở sân vận động đã thấy rất đông thanh niên và người đi tiễn. Đận ấy cả huyện Kim Bảng có hơn 550 chàng trai cùng nhập ngũ. Riêng xã Văn Xá của chúng tôi có 38 người cùng đi một đợt.
Hơn 7 giờ sáng, anh Quyết-cán bộ của Ban CHQS huyện lúc ấy mang quân hàm Đại úy cầm loa tay chạy hết góc này đến góc khác để đôn đốc anh em chúng tôi xếp vào hàng. Sân vận động quá đông, lại ồn ào nên cũng chẳng biết ai lên chúc mừng, căn dặn, ai lên hứa hẹn thế nào; càng không có cảnh tặng hoa, tặng quà như các thanh niên nhập ngũ bây giờ. Chúng tôi biết được mình nhập ngũ vào Quân khu 2 là nhờ cái loa tay của anh Quyết. Ngày ấy phải đến lúc giao quân mới biết mình nhập ngũ vào quân khu nào. Còn ai về đơn vị nào nữa thì sau này xe của đơn vị tự khắc chở đến.
Gần trưa, sau khi đã phân chia mỗi đơn vị về một góc sân vận động, mỗi chúng tôi được cấp phát quân trang gồm một mũ cứng, một ba lô, một đôi giày vải cao cổ, hai đôi tất, một cái khăn mặt màu trắng (chứ không xanh như bây giờ), hai bộ quần áo dài tay kiểu K82. Chỉ huy đơn vị nhận quân (chúng tôi cũng không biết tên là gì, nhưng hình như là cán bộ thuộc Trung đoàn Xe tăng 406, Quân khu 2) yêu cầu chúng tôi thay quân phục. Vậy là cứ giữa sân vận động, chúng tôi thay quần áo dân sự đưa cho người thân rồi khoác lên mình bộ quân phục còn thơm mùi vải. Chả thấy đứa nào nước mắt nước mũi vì nhập ngũ cùng đợt toàn bạn bè quen biết, lại về cùng đơn vị nên chắc anh nào cũng vững tâm.
Sau khi thay xong quân phục, chúng tôi vừa xếp xong hàng lối và nhận hai cái bánh mì thì được thông báo: Cho về nhà nghỉ một tuần, chờ tàu từ phía Nam ra thì mới chính thức lên đường. Ôi chao, các cu cậu sướng, nhảy cỡn cả lên. Tôi tong tóc khoác chiếc ba lô lép kẹp chạy ra cổng sân vận động để tìm chị gái. Đang nháo nhác thì bỗng nhìn thấy u tôi chân đất đang bước thấp, bước cao nhìn ngó, chắc cũng đang đi tìm tôi. Tôi chạy đến gọi to: “U ơi, con đây này!”.
Lúc bấy giờ nước mắt tôi mới trào ra vì thương u quá. Tôi cứ nghĩ u chia tay tôi ở đầu làng và đi về nhà rồi, chứ đâu nghĩ u đã đi bộ 6, 7 cây số để ra xem tôi đi bộ đội thế nào. U túm lấy tôi, nhìn từ đầu đến chân rồi sụt sùi bảo: “U thấy mày nhớn hơn rồi!”. Sau khi nghe tôi nói con được ở nhà một tuần nữa mới đi bộ đội thì u bảo: “Thế à, vậy về u thổi cơm cho mà ăn. Mấy hôm nữa đi với anh với em thì không có u bên cạnh nữa...”.
Tìm được chị gái, cả 3 u con tôi vừa dắt xe, vừa đi bộ về làng. Một tuần sau, tôi vừa đi thăm bà con chòm xóm, vừa giúp u cấy nốt chỗ ruộng trũng ở cánh đồng Chum Và. Đúng sáng 11-3-1988, chị tôi lại đưa tôi xuống sân ga Phủ Lý. Tôi chính thức lên tàu về đơn vị. Tất cả chúng tôi đều có mặt đông đủ, vui vẻ lên tàu và dưới sân ga, mỗi chiến sĩ chỉ có một hai người đến tiễn...
Đến giờ, u tôi đã đi xa tròn 30 năm, tôi cũng đã trở thành một sĩ quan tuổi trung niên, nhưng ký ức ngày đầu khoác lên mình bộ quân phục vẫn vẹn nguyên như mới hôm nào.
TRẦN ANH TUẤN