Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật
Là đơn vị công binh hỗn hợp, đảm bảo huấn luyện SSCĐ, xây dựng công trình (XDCT), trong điều kiện đóng quân phân tán từ vùng sâu, biên giới tới hải đảo, để hoàn thành tốt nhiệm vụ thi công trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, phần lớn thời gian chỉ có lều bạt dã chiến để chống chọi với mưa rừng, gió núi; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 131 đã chủ động phát huy nội lực, sáng tạo trong khai thác, quản lý VKTBKT.
 |
Bảo quản, bảo dưỡng trang bị xe-máy công binh ở Lữ đoàn 131.
|
Trung tá Nguyễn Trần Nam, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 131 chia sẻ: Nhằm giảm thiểu vất vả, độc hại cho bộ đội, chúng tôi đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, từng bước cơ giới hóa trong thi công. Những năm qua, Lữ đoàn đã thi công chuyển tiếp nhiều công trình bảo đảm bí mật, an toàn, chất lượng và khởi công một số công trình mới đúng kế hoạch. Quá trình triển khai nhiệm vụ, Lữ đoàn 131 luôn chú trọng và khuyến khích cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đề xuất các giải pháp kỹ thuật hữu ích; đăng ký và thực hiện các đề tài sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Mỗi năm, lữ đoàn có từ 3 đến 5 sáng kiến cải tiến kỹ thuật hoàn thành.
Trong số những sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở đơn vị, Trung tá Vũ Đức Thịnh, Chủ nhiệm kỹ thuật Lữ đoàn 131, được đồng đội biết đến về khả năng sáng tạo trong lĩnh vực chuyên môn. Trung tá Thịnh nhiều lần được Bộ tư lệnh Hải quân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh, khen thưởng, là một trong gương mặt trẻ tiêu biểu, xuất sắc của Quân chủng Hải quân.
Từng là học viên Học viện Kỹ thuật quân sự, Vũ Đức Thịnh đã khéo léo vận dụng những kiến thức chuyên ngành để nghiên cứu, sáng chế cải tiến ra nhiều trang thiết bị, có giá trị như: Sáng kiến gia công cải tiến giá di chuyển máy ép hơi thành giá máy phát điện 100kVA; rùa thả neo bến thủy phi cơ; lò hủy đạn bộ binh cấp trung-lữ đoàn; cải tiến kết hợp máy bơm nước và máy ép hơi.
Nói về sáng kiến lò hủy đạn bộ binh cấp trung-lữ đoàn, Trung tá Vũ Đức Thịnh kể: Lò hủy đạn HĐS-CB131 vừa gọn, nhẹ, tiện dụng, an toàn, tiện lợi cho triển khai, thu hồi và vận hành. Chỉ cần một nhân viên thao tác, di chuyển lò đốt trong khu vực trường bắn, bãi hủy đạn. Khi thu hồi, chỉ cần hai người sẽ dễ dàng đưa được lò đốt lên thùng xe ô tô. Lò hủy đạn cải tiến có bánh xe, cơ động tốt trên các điều kiện địa hình. Lò được lắp thiết bị bảo vệ để chống tia lửa, nhiệt tác động đến phần cao su bánh xe và hệ thống truyền động. Mỗi lần lò đốt tối đa 5kg và hủy đốt tất cả các loại đạn súng bộ binh, đạn súng máy 12,7mm.
Ngoài ra còn kể đến nhiều nhà “sáng chế” áo lính tài năng như Thiếu tá Trần Văn Thắng, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn 131 với những sáng kiến: Cải tiến xe chở nước 5m3 cho phòng, chống, cháy, nổ; mô hình huấn luyện bắn súng tiểu liên AK bài 2; Đại úy QNCN Vũ Thế Anh với mô hình con lăn chuyên chở cốp-pha; Thước đánh dấu lỗ khoan đường hầm...
Làm chủ khí tài hiện đại
Cùng với huấn luyện quân sự, nâng cao trình độ SSCĐ, XDCT và tổ chức bảo đảm công binh, hàng năm lữ đoàn đều có kế hoạch huấn luyện kỹ thuật, làm chủ khai thác xe máy, vũ khí, khí tài công binh thế hệ mới. Đại tá Đào Văn Bạn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 131 cho biết: Những năm trở lại đây, nhiệm vụ của lữ đoàn phát triển, mở rộng. Ngoài nhiệm vụ xây dựng, bảo đảm các công trình, căn cứ, cầu cảng, lữ đoàn còn được giao huấn luyện chiến sĩ mới, lực lượng dự bị động viên, đào tạo tiểu đội trưởng, bồi dưỡng cán bộ và huấn luyện lực lượng công binh tham gia diễn tập đa phương hải quân KOMODO... Từ nhiệm vụ trên, lữ đoàn được đầu tư mua sắm, trang bị nhiều loại xe máy, vũ khí, khí tài công binh thế hệ mới, hiện đại. Điển hình như các loại máy xúc lật Hyundai HL-730-9S, máy xúc đào JS-140, máy khoan thủy lực chạy điện đồng bộ, máy phát YYTZ 28-1, máy bơm bê tông Mecbo P4.25APV/E, xe chở nước Hyundai HD-120, cùng xe máy, khí tài công binh đặc chủng khác. Do vậy, toàn đơn vị đã nỗ lực, thực hiện đột phá làm chủ khai thác VKTBKT công binh truyền thống và thế hệ mới, hiện đại, phục vụ hiệu quả cho các nhiệm vụ được giao.
 |
Đại đội 6, Lữ đoàn 131 trong huấn luyện bố trí vật cản dưới nước. |
Đặc thù của lữ đoàn là triển khai nhiệm vụ phân tán, trên nhiều địa hình khác nhau, tập trung ở các vùng ven biển và hải đảo. Do đó, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kỹ thuật; triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để duy trì, nâng cao hệ số kỹ thuật, hệ số trang bị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một trong những giải pháp xuyên suốt là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong khai thác, bảo đảm kỹ thuật VKTBKT công binh. Lữ đoàn chủ động liên hệ với các Viện: Viện Kỹ thuật Công trình đặc biệt (Học viện Kỹ thuật Quân sự), Viện Kỹ thuật Binh chủng Công binh; các viện nghiên cứu trong và ngoài quân đội hỗ trợ, tháo gỡ những vấn đề khó về kỹ thuật XDCT và khắc phục sự cố, hư hỏng của xe-máy, trang bị, khí tài; giúp đỡ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học-công nghệ, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới, vật liệu mới... vào XDCT, bảo đảm kỹ thuật, nâng cao chất lượng, độ bền công trình. Nhờ đó, tiến độ XDCT luôn bảo đảm, chất lượng cao, hoàn thành 100% kế hoạch trên giao hàng năm.
 |
Bảo quản, bảo dưỡng trang bị xe-máy công binh ở Lữ đoàn 131.
|
Đại tá Ngô Văn Đức, Chính ủy Lữ đoàn 131 khẳng định: Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở lữ đoàn những năm qua đã phát triển có chiều sâu và đạt kết quả rất thiết thực. Chúng tôi luôn quan tâm động viên, tạo mọi điều kiện tốt nhất để mọi cán bộ, chiến sĩ, tham gia phong trào Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội cũng như các cuộc vận động, phong trào thi đua trong toàn quân. Những sản phẩm nghiên cứu của các “nhà khoa học trẻ” ở lữ đoàn đã thực sự góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đặc biệt là giúp tiết kiệm công sức bộ đội, tăng độ an toàn, làm lợi cho đơn vị nhiều tỷ đồng.
Từ phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, VKTBKT được giữ tốt, dùng bền, khai thác đúng tính năng, hiệu quả tốt, nâng cao tuổi thọ, đặc biệt là đã nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản VKTBKT công binh của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong toàn Lữ đoàn.
Bài và ảnh: NGUYỄN XUÂN DŨNG