Song hành cùng bộ đội

Hằng năm, Hội thi “Tài năng binh nhì” ở Tiểu đoàn 860, Lữ đoàn 950 (Quân khu 9) là sân chơi bổ ích của tân binh và là dịp để đội ngũ cán bộ trung đội giao lưu, học hỏi việc dàn dựng các tiết mục, phương pháp điều hành luyện tập văn nghệ, ôn luyện kiến thức. Tại hội thi năm nay, phần dự thi của Trung đội 1, Đại đội 1 đã để lại nhiều ấn tượng cho ban giám khảo và khán giả. Hình ảnh Thượng úy Hình Nguyễn Thanh Tài, Trung đội trưởng đệm đàn cho chiến sĩ hát trên sân khấu đã thể hiện mối quan hệ gắn bó, đoàn kết cán binh một lòng vì nhiệm vụ chung.

Tiết mục đàn hát tại Hội thi “Tài năng binh nhì” ở Tiểu đoàn 860, Lữ đoàn 950. 

Theo Thượng úy Hình Nguyễn Thanh Tài, dù tổ chức văn nghệ, giao lưu thể thao hay làm báo tường thì người cán bộ cũng giữ vai trò trung tâm, bám nắm, duy trì chặt chẽ các khâu, các bước theo hướng dẫn. Bên cạnh đó, phải phát huy năng khiếu, khai thác sở trường của chiến sĩ. Thông qua các hoạt động phong trào để nắm bắt tâm tư, tình cảm, cá tính của từng chiến sĩ trong trung đội.

Không chỉ chú trọng công tác quản lý bộ đội, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Trung úy Lương Trọng Hiếu, Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 860, Lữ đoàn 950 còn là một cán bộ đoàn năng động, nhiệt tình tham gia các phong trào. Hiếu kể: “Trước đây, do phương pháp chỉ huy của tôi có phần khô cứng nên có lúc chưa thực sự hiểu bộ đội. Từ khi đảm nhiệm một số vai trò do chi đoàn phân công tôi đã mạnh dạn hơn nhiều, đặc biệt là rèn luyện được kỹ năng viết, thiết kế các bài dự thi trên văn bản hoặc thi trực tuyến, khả năng trình bày mạch lạc các vấn đề để phân tích, định hướng tư tưởng cho bộ đội”.

Đảm nhận chức danh Bí thư Chi đoàn Tiểu đoàn bộ, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 152 gần 4 năm nay, Thượng úy Lâm Quốc Khánh, Trung đội trưởng Trung đội Thông tin, luôn dành thời gian rèn luyện những kỹ năng cần có của cán bộ đoàn. Khánh chia sẻ: “Tôi tham khảo các mẫu báo tường trên mạng, đơn vị bạn rồi tận dụng giấy cứng, nhựa để làm khung tờ báo hình chiếc thuyền, tượng trưng cho sức trẻ vươn ra biển lớn. Phần nội dung thì huy động trí tuệ tập thể sáng tác thơ ca, hò vè, vẽ tranh; mỗi người góp công sức hoàn thành nhiệm vụ”. Thực tế cho thấy, khi trung đội trưởng phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, sâu sát trong các hoạt động thì chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của trung đội và uy tín của cá nhân cũng theo đó tăng lên.

Cấp trên bồi dưỡng gắn với tự rèn

"Kỹ năng mềm” bao gồm những phương pháp tác động tích cực đến tinh thần của bộ đội. Để rèn luyện được kỹ năng này không phải chỉ trong một sớm, một chiều mà yêu cầu mỗi cán bộ trung đội phải thực sự nghiêm túc, nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng cấp phân đội.

Từ việc tỉ mỉ thống kê, phân loại chất lượng chính trị của trung đội, Thượng úy Lê Thanh Phong, Trung đội trưởng Trung đội Hữu tuyến điện, Đại đội Thông tin, Trung đoàn 152 phát hiện chiến sĩ Cao Thạch Sang, quê ở phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, gia cảnh đơn chiếc, bố mẹ ly thân, có biểu hiện tự ti, ngại giao tiếp. Trung đội trưởng Phong báo cáo chỉ huy đại đội, phân công tiểu đội trưởng kèm cặp, giúp đỡ, nhất là những ca gác đêm hay khi làm nhiệm vụ.

Đồng thời, gọi điện về gia đình nắm tình hình cùng phối hợp động viên tư tưởng và hướng Sang tham gia những hoạt động chung của đơn vị. Thượng úy Lê Thanh Phong chia sẻ: “Qua tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, tôi vận dụng các biện pháp quản lý, giáo dục quân nhân cá biệt; ngoài ra, tôi tiếp thu kinh nghiệm của đơn vị bạn, ý kiến chỉ đạo của cấp trên về trách nhiệm nêu gương, quản lý tư tưởng bộ đội”. Áp lực trong công tác quản lý bộ đội là điều mỗi trung đội trưởng đều phải đối diện, tuy nhiên, không vì áp lực mà áp đặt, rập khuôn, cứng nhắc trong mọi hoạt động. Trung đội trưởng phải thực sự là người anh, người bạn, đồng thời là đồng chí, đồng đội thân thiết. Việc tự rèn luyện "kỹ năng mềm" là hết sức cần thiết đối với đội ngũ cán bộ trung đội trưởng.

Theo lãnh đạo Lữ đoàn 950, bên cạnh việc bồi dưỡng thường xuyên kỹ năng tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị cấp trung đội, chỉ huy đơn vị cũng mạnh dạn giao nhiệm vụ, kết hợp kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của từng trung đội trưởng, nhất là sĩ quan mới ra trường. Khuyến khích sự sáng tạo, biểu dương những cá nhân có cách làm hiệu quả. Thực hiện chặt chẽ phương châm “4 không”: Không quát mắng, dọa nạt; không áp đặt, rập khuôn, máy móc; không phân biệt đối xử; không làm trái quy định và “5 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng học, cùng làm, cùng chơi. Hiểu và thực hiện chỉn chu phần việc khá mềm mỏng này sẽ góp phần xây dựng trung đội đoàn kết, vững mạnh về chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: CÔNG KHANH