Đó là bài học kinh nghiệm đầu tiên để nâng chất lượng huấn luyện mà nhiều đơn vị đúc rút qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW. Trong đó, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đều thống nhất quan điểm: Tinh thần trách nhiệm, quyết tâm và trình độ, năng lực của cấp ủy, cán bộ chủ trì là yếu tố quyết định chất lượng huấn luyện. 

Tư tưởng thông sẽ quyết tâm vượt khó

Trao đổi với cán bộ các đơn vị và theo dõi hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 765 ở nhiều đơn vị từ cấp trung đoàn đến cấp quân khu, chúng tôi thấy hầu hết ý kiến đều nhấn mạnh bài học kinh nghiệm: Trước tiên, phải làm tốt công tác giáo dục, xây dựng quyết tâm huấn luyện giỏi cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ trì. Vì nếu chưa quán triệt sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác huấn luyện thì sẽ thiếu quyết tâm, thậm chí không coi trọng làm tốt công tác huấn luyện.

Thực tiễn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 765 cho thấy, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ toàn quân về công tác huấn luyện ngày càng được nâng lên; tuyệt đại đa số cấp ủy, người chỉ huy quán triệt sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của công tác huấn luyện; xác định huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và việc đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ là nội dung quan trọng, quyết định chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Từ nhận thức đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị nêu cao trách nhiệm, quyết tâm, đồng thời có nhiều giải pháp nâng chất lượng huấn luyện.

Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 1 kiểm tra công tác huấn luyện và động viên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng thiết giáp 409.  Ảnh: ĐÌNH QUANG 

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những cán bộ nhận thức về nhiệm vụ huấn luyện chưa đầy đủ, quán triệt nhiệm vụ huấn luyện chưa sâu sắc. Thậm chí có cấp ủy, người chỉ huy chưa thực sự coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện hoặc quan tâm không thường xuyên, dẫn đến kết quả huấn luyện của đơn vị còn hạn chế. Mặt khác, để vượt qua những khó khăn, vất vả trong quá trình huấn luyện thì cán bộ, chiến sĩ phải luôn giữ vững ý chí quyết tâm cao; đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy phải tạo được động lực phấn đấu liên tục, không ngừng nỗ lực vượt khó của toàn đơn vị trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Song, vẫn có những đơn vị chưa thường xuyên làm tốt việc này.

Trao đổi với phóng viên Báo QĐND, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Quân đoàn 1 chia sẻ: “Quá trình huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ phải hoạt động với cường độ cao, nhiều khó khăn, vất vả, nhất là khi thời tiết khắc nghiệt và trong diễn tập, hành quân xa... Nếu cán bộ trực tiếp huấn luyện chưa thực sự trách nhiệm với công việc, không giữ vững quyết tâm thì rất dễ tự thỏa hiệp để đỡ vất vả. Do đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 xác định việc quan trọng hàng đầu là phải giáo dục, quán triệt sâu kỹ, xây dựng trách nhiệm, ý chí quyết tâm huấn luyện giỏi cho đội ngũ cán bộ; đồng thời quan tâm động viên và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá, sử dụng đúng, tạo động lực cho cán bộ phấn đấu huấn luyện giỏi”.

Vậy, giáo dục nhiệm vụ huấn luyện như thế nào để cán bộ, chiến sĩ có quyết tâm cao? Với câu hỏi này, chúng tôi thường nhận được câu trả lời “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Đây chính là khẩu hiệu có ở hầu hết đơn vị, nhưng để cán bộ, chiến sĩ thực sự nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ thực hiện mục tiêu huấn luyện giỏi thì đòi hỏi công tác giáo dục, quán triệt nhiệm vụ huấn luyện phải tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, biện pháp, bảo đảm cho bộ đội hiểu sâu và tự giác thực hiện.

Theo kinh nghiệm của nhiều đồng chí cán bộ cấp trung đoàn trở lên, điều quan trọng nhất là phải làm cho đội ngũ chỉ huy cấp phân đội và cơ quan tham mưu (đối tượng trực tiếp chỉ đạo, điều hành, tổ chức huấn luyện và kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện) quán triệt thật sâu sắc sự cần thiết phải nâng cao chất lượng huấn luyện, thực sự tâm huyết với công tác huấn luyện; đồng thời giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ việc huấn luyện giỏi không chỉ có ý nghĩa quyết định đến sức mạnh chiến đấu của đơn vị, của quân đội mà còn có tác dụng rất thiết thực đối với chính bản thân, gia đình mình.

Khi chúng tôi tiến hành khảo sát, hầu hết cán bộ, chiến sĩ cũng bày tỏ như vậy, bởi nếu cán bộ trực tiếp chỉ đạo, tổ chức, duy trì, kiểm tra huấn luyện mà thiếu tâm huyết thì không thể truyền ý chí quyết tâm huấn luyện giỏi cho đơn vị. Binh nhất Nguyễn Thanh Thủy (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, Quân khu 1) chia sẻ: “Từ khi được cán bộ đơn vị phân tích việc tích cực huấn luyện không chỉ để đánh thắng địch, bảo vệ mình nếu xảy ra chiến tranh mà qua đó còn rèn luyện cho bản thân có sức khỏe tốt, có trình độ hiểu biết và tinh thần vượt khó khăn, thử thách để trưởng thành trong cuộc sống, tôi không còn tâm lý ngại huấn luyện nữa. Tư tưởng thông thì sẽ không quản ngại khó khăn, vất vả”.

Nâng chất lượng huấn luyện phải từ cán bộ chủ trì

Nâng chất lượng huấn luyện là trách nhiệm chung của toàn đơn vị, nhưng trước hết thuộc trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy; đặc biệt, đội ngũ cán bộ chủ trì có vai trò quyết định.

Cán bộ, chiến sĩ Khẩu đội pháo Tàu 012-Lý Thái Tổ (Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân) huấn luyện ngắm bắn mục tiêu trên không. Ảnh: VŨ HƯỞNG 

Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 1 khẳng định: “Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 1 đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý. Trong đó, điều mấu chốt, quyết định là cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp phải luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để nâng cao chất lượng huấn luyện; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, bí thư cấp ủy về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác huấn luyện”.

Không chỉ nhiều ý kiến tại các hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW cùng nhấn mạnh như vậy, mà thực tế tìm hiểu công tác huấn luyện tại các đơn vị trong những năm qua, chúng tôi đã thấy rõ điều này.

Cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo toàn diện các mặt công tác của cơ quan, đơn vị. Đối với những đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ thì công tác huấn luyện là nhiệm vụ chính trị trung tâm, phải luôn tập trung cao nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm luôn sát sao, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế ở một số đơn vị vẫn có hiện tượng nghị quyết lãnh đạo của đảng ủy, chi bộ chưa đề cập nhiều đến nhiệm vụ huấn luyện; thiếu các chủ trương, giải pháp mang tính đột phá; nặng “hô hào” và đánh giá kết quả huấn luyện chung chung, nhất là không nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, trách nhiệm; thậm chí có hiện tượng “sao chép” nghị quyết của tháng trước, năm trước; một số khâu yếu, mặt yếu trong huấn luyện liên tục được nêu trong các nghị quyết nhưng không xác định biện pháp hiệu quả để khắc phục dứt điểm...

Khẩu đội Pháo phòng không 37mm, Lữ đoàn 573 (Quân khu 5) thực hành nạp đạn trong luyện tập đánh địch đột nhập đường không. Ảnh: VIỆT HÙNG 

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến một số cấp ủy, chỉ huy thiếu sát sao, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, chúng tôi được biết, ngoài một số ảnh hưởng khách quan (như: Có thời điểm phải triển khai cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhiệm vụ đột xuất; trong thời gian cán bộ chủ trì đi học; tác động của dịch Covid-19...) thì chủ yếu là do cán bộ chủ trì (chỉ huy trưởng và chính ủy, chính trị viên, bí thư cấp ủy) chưa thực sự sâu sát với nhiệm vụ huấn luyện nên ít đề xuất chủ trương, giải pháp với cấp ủy và ít kiểm tra, không chỉ đạo quyết liệt. Cá biệt, còn có hiện tượng đồng chí cán bộ chủ trì đơn vị chỉ chú trọng công tác tăng gia sản xuất, làm đẹp doanh trại hay lo việc "đối ngoại", giải quyết các mối quan hệ; “khoán trắng” công tác huấn luyện cho đồng chí cấp phó hoặc tham mưu trưởng và cơ quan tham mưu... 

Nhiều năm theo dõi, tìm hiểu về công tác huấn luyện, phóng viên Báo QĐND rất tâm đắc với chia sẻ của những cán bộ làm công tác quân huấn: Suy cho cùng, cán bộ chủ trì có vai trò quyết định đến chất lượng huấn luyện của đơn vị. Nếu đồng chí chỉ huy trưởng, bí thư cấp ủy và phó chỉ huy trưởng kiêm tham mưu trưởng thực sự coi trọng, thường xuyên quan tâm, có ý chí quyết tâm nâng cao chất lượng huấn luyện thì sẽ luôn trăn trở, chăm lo, có nhiều giải pháp đề xuất lãnh đạo, chỉ đạo và yêu cầu toàn đơn vị phải thực sự vào cuộc, phát huy tối đa trí tuệ, công sức để cùng nâng cao chất lượng huấn luyện; đồng thời kiên quyết khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Ngược lại, nếu người đứng đầu thiếu quyết tâm thì cả tập thể sẽ “nguội” theo, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng huấn luyện.

 Theo Thiếu tướng Thái Văn Minh, Cục trưởng Cục Quân huấn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam): Một số cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, ý nghĩa của nhiệm vụ huấn luyện nên có thời điểm chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Công tác chỉ đạo, điều hành huấn luyện có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cấp; vẫn còn nội dung chồng chéo, chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và gắn trách nhiệm của chỉ huy các cấp, các ngành...

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN QP-AN