Theo lời kể của CCB Hồ Ngân Phương, cuối tháng 3-1971, ông được chỉ huy đơn vị giao trực tiếp hỏi cung hai tên ngụy quân vừa được đồng chí Vũ Đức Thịnh, chiến sĩ nuôi quân ở Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 968, Trung đoàn 592, Bộ tư lệnh Trường Sơn bắt sống. Và câu chuyện đồng chí Thịnh dùng đòn gánh, bắt sống hai tên lính ngụy giữa rừng Sepone (Nam Lào) lần ấy là kỷ niệm không phai mờ trong ký ức của ông Phương.

Ngay sau khi ông Thịnh lập chiến công này, Đại đội 5 đã tổ chức sinh hoạt tập thể để ông tường thuật lại cho cán bộ, chiến sĩ học tập, noi theo.

Thời điểm đó, Trung đội 1 đóng quân ở phía Bắc bờ sông Sê Pôn, thuộc Bản Đông, huyện Sepone, tỉnh Savannakhet (Lào), thực hiện nhiệm vụ đào công sự bảo vệ tuyến ống và xe máy, cùng các lực lượng vũ trang ta đánh trả cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ-ngụy. Mờ sáng 22-3-1971, trên đường gánh cơm ra trận địa, ông Thịnh nghe thấy tiếng chân người bước hấp tấp ở phía trước. Nghi có địch, ông Thịnh cẩn thận giấu các thứ vào chỗ khuất rồi ngồi thụp trong lùm cây ẩn nấp. Quả nhiên, ông thấy hai tên lính ngụy lò dò đi tới. Tên đi trước, tay trái cầm tấm bản đồ, tay phải lăm lăm khẩu súng ngắn. Tên còn lại, tay không, thất thểu bám theo.

 “Tình huống rất nguy cấp! Nếu để chúng phát hiện ra mình trước thì coi như “đi tong”! Còn nếu mình im, chúng tiếp tục đi, ắt sẽ gặp lán của trung đội. Mọi người đã lên trận địa, chỉ còn hai đồng chí sốt rét đang trùm kín chăn ở nhà...”, những suy nghĩ vụt qua trong đầu ông Thịnh. Với quyết tâm bảo vệ đồng đội, ông Thịnh hít một hơi lấy dũng khí, cắp chiếc đòn gánh vào bên hông trái (tay trái cầm hờ vào nửa đòn phía sau, tay phải nắm chắc vào phần đòn phía trước để thò ra đoạn dài khoảng 50cm, sẵn sàng vụt địch nếu chúng chống trả), rồi ông bật dậy chặn đầu tên địch cầm súng đi phía trước. Miệng quát lớn: "Bỏ súng xuống! Hàng thì sống! Chống thì chết!"

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Hồ Ngân Phương nói chuyện truyền thống với người dân tại thôn 1, xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu, Nghệ An). 

Bị bất ngờ, tên địch đi trước hoảng hốt, khẩu súng ngắn đang cầm rơi xuống đất, sau đó giơ hai tay lên trời. Tên địch phía sau cũng giơ tay lên trời. Ông Thịnh hô tiếp: "Quay đằng sau!... Bước!".

Hai tên lính ngụy ngoan ngoãn làm theo. Ông Thịnh cúi xuống cầm khẩu súng ngắn. Ông bỏ đòn gánh ở đó và dùng súng khống chế hai tên địch, áp giải đến giao cho trung đội. Sau khi xong xuôi, ông trở lại vị trí lúc nãy tiếp tục gánh cơm ra trận địa.

CCB Hồ Ngân Phương kể tiếp: "Tôi lúc đó là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, được chỉ huy Trung đội giao nhiệm vụ hỏi cung tù binh, để báo cáo lên trên. Thì ra hai ngụy binh này là lính thất trận từ Đường 9-Nam Lào chạy về đây. Gã cầm súng mang quân hàm thiếu úy ngụy, tên là Huỳnh Đức Ngà, 30 tuổi, đã tốt nghiệp đại học luật. Gã còn lại, 29 tuổi, tên là Nguyễn Văn Nô, lái xe tăng ngụy. Sau khi hoàn thiện lời khai về căn cước, nhân thân của chúng, tôi hỏi tên Ngà: "Các anh đều to khỏe. Tay anh đang cầm khẩu súng ngắn đầy đủ đạn. Trong khi đó, “ông anh nuôi” của chúng tôi thì nhỏ bé và chỉ có cái đòn gánh bằng cành cây rừng. Vậy tại sao anh lại phải chịu đầu hàng ông ấy?".

Tên Ngà cúi gằm mặt: "Thưa ông! Lúc đó, trời chưa sáng rõ. Nếu “ông anh nuôi” ấy giơ cái đòn gánh lên đánh chúng tôi thì sự thể đã khác. Đằng này, ông ấy lại sử dụng nó với tư thế và động tác bắn, đồng thời tôi cũng bị mất hồn vía vì oai phong của “ông anh nuôi”, khi bất ngờ xông tới, hô lệnh rất dõng dạc...".

Tôi quay sang hỏi tên Nô: "Còn anh?". Nô lấm lét liếc sang tên Ngà, rồi quay lại trả lời nhát gừng:" Dạ thưa ông! Lúc đó... Tôi thấy sếp đi trước... đã...đã...".

Tôi trấn an hắn: "Các anh ngồi tại chỗ này đều là tù binh như nhau. Anh không phải ngại gì. Thành khẩn khai báo sẽ được hưởng khoan hồng. Nói nhanh".

"Dạ dạ!... Em thấy sếp đi trước đã bỏ súng và giơ tay hàng. Nên em làm theo!"-tên Nô trả lời.

Cuộc hỏi cung kết thúc. Tên Ngà xin hỏi tôi một điều: "Thưa ông! Ông cũng học đại học luật ạ?". Tôi trả lời dứt khoát: "Tôi chưa kịp học đại học. Tổ quốc bị quân giặc xâm lăng, chúng tôi phải làm nhiệm vụ đánh giặc, cứu nước trước đã".

"Nhưng ông đối xử với tù binh chúng tôi rất có “phong cách”...?"-tên Ngà hỏi tiếp. "Là vì chúng tôi được học để thực hiện các chính sách tại chiến trường; trong đó có chính sách đối với thương binh, tử sĩ; chính sách đối với tù binh, hàng binh; chính sách về chiến lợi phẩm..."-tôi nói.

Nghe vậy, tên Ngà cúi gằm mặt nói: "Dạ dạ! Các ông vừa bản lĩnh, vừa có mưu trí, lại hiểu biết. Tôi thật sự cảm phục, cảm phục!".

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG