Đồng chủ trì họp báo có các đồng chí: Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; Đại tá PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự; Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó vụ trưởng Vụ tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái.

 Các đồng chí chủ trì buổi họp báo.

Phát biểu tại buổi họp báo, Đại tá PGS, TS Nguyễn Văn Sáu thông tin những nội dung chính của hội thảo. Theo đó, hội thảo tập trung làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước; phân tích âm mưu, thủ đoạn, ý đồ của thực dân Pháp trong Chiến dịch Thu-Đông 1952; đặc biệt là âm mưu tập trung lực lượng, đẩy mạnh càn quét, bình định, hòng mở rộng và kìm kẹp chặt vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đồng thời, khẳng định đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ tổng tư lệnh; phân tích, làm rõ quá trình chuẩn bị và tổ chức sử dụng lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi; nghệ thuật tác chiến chiến dịch, công tác bảo đảm vũ khí, trang bị, hậu cần và sự tham gia phục vụ chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch.

 Quang cảnh buổi họp báo.

Tái hiện cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta; quá trình thực hành phương châm “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu”, “vây điểm, diệt viện, phá điểm”, “đánh dài ngày, đánh liên tục, tiến từng bước chắc, sẵn sàng nắm thời cơ thuận lợi để phát triển nhanh chóng”. Làm rõ cách đánh linh hoạt của quân và dân ta trong chiến dịch, như: Phục kích, tập kích, truy kích, công kiên, kỳ tập; nghiên cứu sự kết hợp chặt chẽ giữa vận động chiến và du kích chiến, sự kết hợp giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng để giành thắng lợi.

 Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu thông tin tại buổi họp báo. 

Bên cạnh đó, hội thảo còn đánh giá tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học lịch sử, kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo xây dựng, tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; nêu bật kết quả công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền; công tác phát triển kinh tế - xã hội; củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của các tỉnh Tây Bắc nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng từ sau Chiến thắng Tây Bắc 1952 đến nay, tiếp tục đúc rút kinh nghiệm và xác định những định hướng chiến lược cho tương lai.

Đến nay, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 90 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, một số tổng cục, quân khu, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường, các tướng lĩnh, sĩ quan; lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban nhân dân và một số ban ngành của tỉnh Yên Bái; các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Theo ban tổ chức, các tham luận được chuẩn bị công phu với hàm lượng khoa cao.

Theo kế hoạch, hội thảo được tổ chức vào ngày 14-10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái (phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Trước đó, Ban tổ chức hội thảo và các đại biểu dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Yên Bái; thăm tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Tin, ảnh: SƠN BÌNH