Đội điều trị "hỏa tuyến" của chúng tôi là một đội cơ động độc lập tác chiến. Bộ đội đánh đâu chúng tôi có mặt ở đấy từ mở màn trận đánh cho đến khi kết thúc. Cả đội có 12 người, hy sinh 3 người, còn lại 9 người: 2 y sĩ, 4 y tá, 2 hộ lý, 1 dược tá, có dân công phụ giúp vừa sơ cứu vừa chuyển tải thương binh vượt rào về các trạm trung chuyển ở hậu cứ.

Ngoài ra, chúng tôi còn phải chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho thương binh. Có khi vừa hành quân tới chỗ mới, dựng xong lán, chưa kịp làm gì đã bị bom napan thả xuống cháy trụi, anh chị em lại hì hục dựng lại lán khác. Chúng tôi tiếp nhận điều trị cả cho các đội viên thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Bọn trẻ chúng tôi đều vô tư, nghịch ngợm không sợ gì mưa bom bão đạn, được ngơi tay là có thể cười đùa ca hát. Có khi một đoàn cấp trên nào đó đến kiểm tra, cũng chẳng cần biết cấp trên đó là ai.

leftcenterrightdel

 Vượt qua thiếu thốn, khó khăn, các bác sĩ quân y đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh tư liệu

Cơm vắt lội rừng, ba lô trên vai, xẻng chiến bên hông, dừng chân là đào hầm trú ẩn, chặt lá làm lán cho thương binh. Có khi đang hành quân, mưa rừng rùng rùng trút xuống. Cáng thương binh trên vai lên đèo xuống dốc vẫn hát, vẫn cười, sẵn sàng phục vụ thương binh chu đáo nhất. Qua rừng bạt ngàn, hẻm đá tai mèo, suối sâu dốc thẳm vẫn đảm bảo hành quân tới đích an toàn.

Trên đất bạn, nắng rừng như nung, đến cỏ dại cũng khô dòn, nhiều khi thèm một ngọn rau phải nuốt nước bọt cố quên. Thức ăn chủ yếu là lương khô, cơm nắm, muối vừng, mắm mặn, mắm kem để dành cho thương binh. Bắn được con thú rừng thì đó là niềm hạnh phúc. Những bi đông nước mang theo có khi mình phải nhịn để nhường cho thương binh. Vất vả, gian khó là vậy cho nên khi có lệnh nghỉ thì bất cứ hốc đá, gốc cây, khe nước, chỗ nào chúng tôi cũng có thể treo võng, lót lá rừng hoặc trải ni lông xuống mà ngủ được ngay thật ngon lành. Nhiều đêm thức trắng với thương binh nặng, sáng ra lại đi vác gạo, chuẩn bị lương thực thực phẩm cho đội và dự trữ nuôi thương binh.

Mặt trận ngày càng mở rộng, Trung đoàn 101 đánh Khamhe Phummalat rồi tiến vào thị xã Thà Khẹc. Vào Thà Khẹc, đội điều trị chúng tôi tiếp nhận một số thương binh nặng trong đó có hai lính ngụy Lào là Taopờn Trung sĩ lái xe và Xipamần Đại úy tác chiến. Khi chúng tôi rửa vết thương băng bó cho chúng, chúng khóc như cha chết xin đừng giết. Chúng tôi giải thích: “Bộ đội Việt Nam đến Lào để giúp nhân dân Lào đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh ngụy, giải phóng Lào để Lào được độc lập".

Ít hôm sau chúng tôi tiến theo đại đoàn tiếp tục cáng tải thương binh vượt sông Xebangphay và Xebanghieng xuống Hạ Lào rồi chuyển thương binh nặng về nước cho đến khi kết thúc chiến dịch.

24 năm sau, năm 1978 tôi có việc vào bệnh viện Việt Nam - Cuba tình cờ gặp lại anh Taopờn (lính ngụy Lào năm xưa). Anh ta nhận ra tôi ngay. Qua chuyện trò anh ta cho biết chính nữ y tá Dung đã chuyển anh về Việt Nam. Dung và Taopờn đã xây dựng hạnh phúc với nhau được ba người con hiện đang là cán bộ công nhân viên ở Xí nghiệp ô tô 1-5 tại Hà Nội. Thật bất ngờ và thú vị.

Từ bấy cho đến nay đã 50 năm rồi, hồi trước tôi vừa tròn 19 tuổi, nay đã ngoài 70. Ngồi nhớ lại biết bao kỷ niệm của một thời tuổi trẻ gian khổ nhưng thật đẹp thật đáng tự hào.

TRẦN BÍCH THỌ

------------------------------------------------------------------

1, Âm vang Điện Biên, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.