Trong trận chiến này, Pháp đã dành cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ những người "ưu tú" nhất. Hãy cùng điểm danh bộ máy chính quyền nổi bật liên quan trực tiếp tới sự thất bại thảm hại cuối cùng của Pháp trong chiến tranh Đông Dương.

Sau thất bại của kế hoạch Navarre, người Pháp nhanh chóng thay thế bằng việc xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nhằm thu hút quân chủ lực Việt Nam đến đây để tiêu diệt, sau khi gặp nhiều khó khăn trên hầu khắp các chiến trường. Với sự đầu tư khổng lồ từ Mỹ, đây thực sự là pháo đài "mạnh nhất Đông Dương" cả về binh lực, hỏa lực. Nếu như về hỏa lực là các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ với sự chi viện các loại máy bay chuyên dụng từ Hà Nội và Hải Phòng lên thì đây là những đơn vị thiện chiến nhất, với những chỉ huy ưu tú nhất. Một số rất nổi bật và là linh hồn của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

leftcenterrightdel
Tướng De Castries. Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người đầu tiên phải kể đến không ai khác chính là Navarre, tác giả, người chịu trách nhiệm tối cao về tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 55 tuổi, dành được khá nhiều thành tích từ khi mới khởi nghiệp và thăng chức khá nhanh, Navarre được kỳ vọng tương lai sáng lạn hơn những người tiền nhiệm, có khả năng "uốn nắn lại tình hình Đông Dương" và chuyển bại thành thắng. Sau thất bại của bản kế hoạch mang tên mình, có vẻ Điện Biên Phủ là phương án cứu nguy quá hoàn hảo, phù hợp thực tế chiến trường với mục đích ngăn chặn mối liên kết với Lào và tổ chức, vận dụng lực lượng quân Pháp đang rải rác ở Tây Bắc. Với nhãn quan chiến lược và những tính toán quân sự logic, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ là cái bẫy khổng lồ để "nghiền nát" quân đối phương, dập tắt những cuộc nổi dậy của Việt Minh và bình định Đông Dương sau nhiều năm không được như mong đợi.

Cogny - Tư lệnh Bắc Việt Nam, không mấy thuận hòa với cấp trên của mình trong nhiều hoạt động nhưng lại vô cùng hào hứng và ủng hộ việc thiết lập Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sát sao từ quá trình xây dựng, triển khai lực lượng và không ngừng viễn vọng về cách Tập đoàn cứ điểm sẽ tiêu diệt quân đối phương, cho đến khi trước ngày diễn ra trận đánh, Cogny tổng cộng lên Điện Biên Phủ 11 lần (trong khi đó Navarre chỉ 9 lần) đã cho thấy ông ta dốc toàn tâm, toàn lực vào canh bạc cuối cùng này.

De Castries, Chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, người thay thế không thể phù hợp hơn sau khi Tướng Gilles - chỉ huy tập đoàn cứ điểm Nà Sản và đánh chiếm Điện Biên Phủ từ chối vì lý do sức khỏe. Nổi tiếng là người dũng cảm, cá tính, không ngại dấn thân, thích phô trương bản lĩnh, tài năng của mình lại sinh ra trong gia đình quý tộc và truyền thống binh nghiệp, De Castries có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trên nhiều mặt trận từ chiến tranh thế giới thứ nhất cho đến các trận đánh trước đó tại mặt trận Đông Dương. Nhận nhiệm vụ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khi mới chỉ là một Đại tá, De Castries đã biến kế hoạch Navarre thành hiện thực khi xây dựng căn cứ quân sự này kiên cố, vững chắc gồm 49 cứ điểm được chia thành 8 cụm cứ điểm với ba phân khu trong thế liên hoàn, hỗ trợ chiến đấu. Tính từ ngày đầu tiên đặt chân lên Điện Biên Phủ, 8-12-1953, De Castries tự đắc trong khoảng 3 tháng, lo lắng, sợ sệt 56 ngày sau đó và trở thành tướng bại trận trong chiến tranh xâm lược Đông Dương của người Pháp vào chiều 7-5-1954 lịch sử.

Luôn tự hào về pháo binh nên chẳng mấy ngạc nhiên khi Navarre gửi lên Điện Biên Phủ cho De Castries một chỉ huy pháo dày dạn kinh nghiệm như Piroth. Là một sĩ quan kỳ cựu về pháo binh với kinh nghiệm chuyên môn giỏi, đã từng tham gia chiến tranh thế giới lần thứ hai và đã để lại trên chiến trường nước Ý một cánh tay phải năm 1943, Piroth là sự bổ sung tuyệt vời cho chàng kỵ binh De Castries với tư cách chỉ huy phó Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đặc trách pháo binh. Tuy nhiên những ngày tháng ở Điện Biên Phủ quá ngắn ngủi và là trận chiến nhỏ bé so với Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng mang lại cho Piroth nhiều đau thương khi trước đó luôn mạnh mồm tuyên bố "Không để cho bất cứ khẩu pháo nào của Việt Minh bắn quá ba phát mà không tiêu diệt được chúng" nhưng lại không thể dập tắt được hỏa lực pháo binh Việt Minh ngày từ những giờ phút đầu của cuộc chiến. Sự thất thủ nhanh chóng của cứ điểm Him Lam và phân khu Bắc đã khiến Piroth chỉ còn lối thoát danh dự duy nhất là tự sát bằng một quả lựu đạn trong chính căn hầm chỉ huy pháo của mình.

leftcenterrightdel
 Tường Cogny (bên phải). Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người nổi tiếng nhất trong lực lượng Pháp tại Điện Biên Phủ không ai khác chính là Bigeard, một con người ương bướng, không được lòng cấp trên nhưng lại được binh lính mến phục. Tuy nhiên, Bigeard là người biết ứng phó khi gặp khó khăn, không chịu thất bại một cách dễ dàng, nhiều lần chiến đấu quyết liệt với bộ đội ta, điển hình trong trận đồi C1 và C2. Nhiều năm sau khi trở về từ Điện Biên Phủ, Bigeard trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp. Một cấp phó khác của De Castries đặc trách phân khu trung tâm là Pierre Langlais được đánh giá là dũng cảm, quyết đoán và luôn tích cực trong chỉ huy chiến đấu. Khác với cấp trên của mình, Langlais xuất thân trong một gia đình nghèo từ miền Tây nước Pháp, được đào tạo bài bản trong trường lớp quân sự và luôn cần mẫn, chăm chỉ với những nhiệm vụ được giao. Mặc dù không thích phô trương, sống cô độc nhưng ông ta lại khá gần gũi với thuộc cấp, binh lính dưới quyền mình.

Và nhân vật cuối cùng nằm trong "bộ máy chính quyền" của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là André Lalande đặc trách phân khu Nam, vai trò khá mờ nhạt, không gây ấn tượng nhiều ngoài việc cầm cố phân khu Nam cho đến phút cuối cùng và tổ chức được cuộc rút chạy khi Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sụp đổ nhưng vẫn không thành công.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.