Theo bài viết, bất chấp sự chia rẽ trong Quốc hội Mỹ và những bất đồng giữa Đồi Capitol với Nhà Trắng, chính giới xứ cờ hoa vẫn có chung quan điểm cho rằng Nga và Trung Quốc chính là “mối đe dọa” với an ninh quốc gia Mỹ và “sự an toàn của các đồng minh”. Cả Mỹ và các đồng minh đều lo ngại trước một thực tế rằng, hiện Washington không có khả năng phòng thủ trước những loại vũ khí siêu thanh mà Bắc Kinh và Moscow đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phát triển. “Nga và Trung Quốc đang theo đuổi các vũ khí siêu thanh vì tốc độ, cao độ và khả năng cơ động của các khí tài này có thể đánh bại hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa. Chúng có thể được sử dụng để cải thiện năng lực tấn công hạt nhân và tấn công thông thường ở tầm xa. Hiện không có biện pháp nào để đối phó”, Tạp chí National Interest dẫn một nghiên cứu mới đây của Văn phòng kiểm toán hoạt động của chính phủ (GAO) trực thuộc Quốc hội Mỹ, nhận xét.
 |
Các nhà lãnh đạo Nga theo dõi vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh chiến lược Avangard qua màn hình. Ảnh: Sputnik. |
Bài viết khẳng định mối đe dọa của vũ khí siêu thanh là “rất thật” và “ngày càng gia tăng”. Những tên lửa siêu thanh có khả năng mang các đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường và bay nhanh gấp hơn 5 lần vận tốc âm thanh. Chuyên gia Richard M.Harrison cho rằng, đây là “một thế hệ mới những tên lửa bay cực nhanh và có khả năng cơ động vượt trội”. Không giống các tên lửa đạn đạo, các tên lửa siêu thanh không bay theo quỹ đạo hình parabol để có thể đoán trước mà đánh chặn. “Để bắn hạ một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay hoàn toàn đủ khả năng nhắm trúng mục tiêu và “bắn một viên đạn bằng một viên đạn”. Nhưng đối phó với các tên lửa siêu thanh thì chẳng khác nào đang cố gắng “bắn vào một viên đạn có thể đổi hướng bay giữa chừng”. Số lượng các hệ thống phòng thủ có khả năng làm như vậy là vô cùng ít... Các hệ thống radar hiện tại cũng không đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ. Thậm chí ngay cả khi những người vận hành biết được về vụ phóng tên lửa siêu thanh thì các hệ thống radar mặt đất hiện có cũng không thể phát hiện chính xác để mà cảnh báo cho hệ thống đánh chặn. Ngoài ra, mặc dù các tên lửa siêu thanh bay cao trong tầng khí quyển Trái Đất nhưng lại quá thấp để các hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo trong không gian hiện nay có thể phát hiện ra”, chuyên gia Richard M.Harrison viết.
Tuy nhiên, theo Tạp chí National Interest, cho đến nay, Mỹ hầu như không mấy quan tâm tới việc phát triển các vũ khí siêu thanh. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Michael Griffin có lẽ là một trong số ít những tiếng nói ủng hộ việc này. Ông Michael Griffin nhận định vũ khí siêu thanh chính là “nhân tố thay đổi cuộc chơi”. “Năm ngoái, số lần Trung Quốc thử vũ khí siêu thanh còn nhiều hơn số lần thử của Mỹ trong một thập niên. Nếu không muốn bị tụt lại phía sau, Mỹ phải khắc phục chuyện này”, Tạp chí National Interest dẫn lời ông Michael Griffin.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đầu tư vào phát triển các vũ khí siêu thanh. Vào tháng 12-2018, Nga tuyên bố đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh chiến lược Avangard, bay nhanh gấp 20 lần vận tốc âm thanh và có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 3.500 dặm. “Cả Nga và Trung Quốc được biết đến là đang thực hiện một số dự án phát triển vũ khí siêu thanh ở các giai đoạn khác nhau. Nói cách khác, một cuộc chạy đua vũ trang mới đã bắt đầu”, chuyên gia Richard M.Harrison cho biết.
Theo chuyên gia này, khi các đối thủ của Mỹ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình phát triển vũ khí siêu thanh, điều đó cũng đồng nghĩa “khả năng họ đặt quân đội Mỹ và các đồng minh vào thế nguy hiểm trên nhiều mặt trận cũng tăng theo”. Ông Richard M.Harrison đã đưa ra 4 lý do để lý giải cho nhận định của mình. Một là tốc độ của các vũ khí siêu thanh khiến cho khoảng thời gian mà giới lãnh đạo Mỹ cần để đưa ra quyết định đáp trả cũng bị rút ngắn đáng kể. Hai là tốc độ và đường bay khó đoán của các vũ khí siêu thanh có thể cho phép đối thủ phá hủy “những mục tiêu di động giá trị cao” như tàu sân bay hay các bệ phóng tên lửa đạn đạo di động, khiến lính Mỹ ở tiền tuyến “không nơi nương tựa”. “Ba là nếu vũ khí siêu thanh được triển khai trước khi Mỹ có biện pháp đáp trả, chúng có thể trở thành một giải pháp “tương đối rẻ” để các đối thủ nhanh chóng "làm xói mòn" ưu thế quân sự hiện nay của Mỹ. Cuối cùng là vì các tên lửa siêu thanh có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân lẫn đầu đạn thông thường nên bất kỳ vụ phóng nào cũng khiến giới chóp bu quân sự Mỹ phải đoán già đoán non, từ đó có thể dẫn đến những leo thang quân sự vượt tầm kiểm soát”, chuyên gia Richard M.Harrison nhận định.
HOÀNG VŨ