Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Anh từng liên tục nắm giữ vị trí thứ hai trong danh sách các nước SXVK lớn nhất thế giới kể từ năm 2002. Tuy nhiên, vị trí này hiện rơi vào tay Nga. "Các hãng vũ khí Nga gia tăng đáng kể doanh số bán hàng từ năm 2011, phù hợp với xu hướng đẩy mạnh chi tiêu mua sắm để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của nước này", chuyên gia cao cấp Siemon Wezeman của SIPRI nêu rõ.

Theo đó, trong danh sách 100 công ty hàng đầu về SXVK và cung cấp dịch vụ quân sự năm 2017 thì có tới 10 công ty là của Nga và tổng doanh thu của các công ty này lên tới 37,7 tỷ USD. Đây cũng được coi là “bệ phóng” để đưa Nga vào vị trí quốc gia SXVK lớn thứ hai thế giới. Cũng trong năm 2017, lần đầu tiên một công ty của Nga là Almaz-Antey đã lọt vào Top 10 nhà SXVK hàng đầu thế giới với doanh thu 8,6 tỷ USD, tăng 17%. 

Bên trong một nhà máy sản xuất thiết bị quân sự của Nga. Ảnh: TASS.

Ngoài hãng sản xuất xe tăng Uralvagonzavod, doanh thu của hầu hết các hãng sản xuất đến từ Nga cũng tăng trong năm 2017. "Tính tổng thể, lượng vũ khí bán ra của 10 công ty Nga trong danh sách top 100 nói trên đã tăng khoảng 8,5% trong năm 2017", báo cáo của SIPRI cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các thiết bị quân sự do Nga sản xuất thường có chất lượng cao, hoạt động bền bỉ, giá cả phải chăng, trong đó, nhiều loại vũ khí đã chứng tỏ được hiệu quả thông qua thực tế chiến đấu. Bên cạnh đó, Nga cũng không đưa ra nhiều điều kiện ràng buộc trong các thương vụ mua bán vũ khí.

Dù bị Nga "hất cẳng" khỏi vị trí thứ hai thế giới, song Anh vẫn là một trong những nước sản xuất và bán vũ khí hàng đầu ở châu Âu, với doanh thu 35,7 tỷ USD trong năm 2017. Đáng chú ý, Tập đoàn BAE System của xứ sở Sương mù còn đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách 100 công ty hàng đầu thế giới về SXVK và cung cấp dịch vụ quân sự năm 2017.

Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục nắm giữ vị trí đi đầu về sản xuất và bán vũ khí với 42 công ty nằm trong top 100 của SIPRI. Các công ty này có tổng doanh thu bán vũ khí vào khoảng 226,6 tỷ USD trong năm 2017, tăng 2% so với năm trước đó. Lockheed Martin cũng vẫn là nhà SXVK lớn nhất không chỉ của Mỹ mà còn của cả thế giới trong năm 2017, với doanh thu công bố vào khoảng 44,9 tỷ USD. "Các công ty của Mỹ hưởng lợi trực tiếp từ các đơn hàng hiện có của Bộ Quốc phòng nước này", Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Vũ khí và Ngân sách Quốc phòng của SIPRI Aude Fleurant giải thích.

Trang mạng Defense News cho biết thêm, hiện Bộ Quốc phòng Mỹ đang tính đến những phương án kích cầu, trong đó có việc cân nhắc giảm chi phí vận chuyển vũ khí bán cho các quốc gia khác.

Theo báo cáo của SIPRI, tổng lượng vũ khí bán ra của 100 công ty SXVK lớn nhất thế giới trong năm 2017 đã tăng 2,5% so với năm trước đó và đạt 398,2 tỷ USD. Một chuyên gia của SIPRI cũng nhấn mạnh tới doanh thu bán vũ khí tăng đột biến của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng điều này phản ánh tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp với nhiều “điểm nóng” về an ninh, nguy cơ xung đột quân sự tăng cao, việc các công ty sản xuất và mua bán vũ khí “ăn nên làm ra” cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mức độ thành công của mỗi công ty lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Chẳng hạn, theo trang mạng Russia Beyond, sở dĩ Nga luôn đi đầu trong cuộc cạnh tranh trên thị trường vũ khí toàn cầu là nhờ một số yếu tố then chốt, trong đó có truyền thống lâu đời và tiềm lực về công nghiệp quốc phòng, cộng với độ tin cậy. Ngoài ra, Nga thường cung cấp các hợp đồng về bảo trì, sửa chữa và cung cấp phụ tùng thay thế đi kèm với các hợp đồng mua bán vũ khí, từ đó xây dựng được quan hệ gần gũi với các đối tác.

TRUNG DŨNG