Nơi ấy Gia Điền
Men theo con đường trải nhựa rộng mở dưới chân những đồi cọ trập trùng, đồi chè xanh bạt ngàn gợi lên sắc màu của vùng đất trung du Phú Thọ thanh bình, yên ả, chúng tôi dừng chân ở khu 2, xã Gia Điền (Hạ Hòa, Phú Thọ), nơi có tấm bia được dựng trên một mảnh đất rộng. Nơi đây, ghi dấu ấn một thời của nền văn nghệ kháng chiến Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi lưu giữ những câu chuyện, lắng đọng những ân tình của những cán bộ, văn nghệ sĩ trong hành trình về Việt Bắc, “nhận đường” theo đường lối lãnh đạo của Đảng, hòa mình vào cuộc sống và chiến đấu của nhân dân, để mang ngòi bút của mình phục vụ kháng chiến.
Bên tấm bia ghi lại sự kiện là nơi đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam, cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam tiền thân của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam ngày nay, cũng là nơi Tạp chí Văn nghệ xuất bản số đầu tiên. Tấm bia ghi rõ: “Tại thôn Gia Điền, trong kháng chiến chống Pháp đã đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam (1948-1949). Cùng với cơ quan thường trực Hội, có cơ quan Tạp chí Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn nghệ”. Cây gạo cổ thụ xưa không còn nữa mà thay vào đó là cây gạo non và nhỏ hơn, cao sừng sững, tỏa bóng xuống bia lịch sử và cả một khoảnh đất rộng. Xung quanh là bạt ngàn màu xanh của những đồi cọ, đồi chè và của cánh đồng lúa. Những ngôi nhà bình yên nép mình bên sườn đồi gợi lên một khung cảnh hữu tình, bình yên và đẹp đến thơ mộng. Đứng bên tấm bia lịch sử của Hội Văn nghệ kháng chiến, trò chuyện với những người dân nơi đây, chuyện xưa được gợi về bằng ký ức khi mờ, khi tỏ và những câu chuyện kể mà người dân ở khu 2, thôn Gốc Gạo xưa còn nhớ và kể lại cho các thế hệ sau nghe.
 |
Bia lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam tại Gia Điền (Hạ Hòa, Phú Thọ). |
Dòng ký ức của những bậc cao niên trong thôn 2 Gốc Gạo đã đưa chúng tôi trở về những năm tháng không thể nào quên của năm 1948. Khi ấy, Gia Điền là địa điểm dừng chân của đoàn văn nghệ sĩ trong hành trình lên Việt Bắc. Nơi đây, khi ấy là một vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt, rừng đồi um tùm cây lá và chỉ có con đường đất nhỏ dẫn vào xã. Ngày ấy, những tên tuổi của các văn nghệ sĩ đã lưu dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của những người ở lại, đó là các nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Kim Lân, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Hữu Phước, Tô Ngọc Vân… Họ đã chọn nơi đây là điểm dừng chân để tổ chức các hoạt động văn nghệ phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nơi đây đã trở thành cái nôi của nền Văn nghệ kháng chiến của Việt Nam ngày đó.
Dòng tư liệu và những câu chuyện kể của người dân Gốc Gạo Gia Điền còn đưa chúng tôi xuôi Quốc lộ 2, đến một địa điểm gắn với lịch sử của Hội Văn nghệ kháng chiến của năm 1948. Đó là xã Yên Kỳ (Hạ Hòa), nơi trên đồi cao, giữa bao la bạt ngàn rừng cọ, đồi chè, xa xa là những cánh đồng xanh thẳm, có một tấm bia lịch sử ghi lại sự kiện trong ba ngày 23, 24 và 25-7-1948 tại khu 1 xã Yên Kỳ, có 80 văn nghệ sĩ trên cả nước đã về dự Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Trong đó, có các văn nghệ sĩ như Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Tỵ, Võ Liên Sơn, Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Đôn, Chu Ngọc, Xuân Sanh, Hải Triều…
Giữa đất trời trung du bao la, lộng gió, giữa sự che chở, giúp đỡ của người dân địa phương, Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật đã thành công tốt đẹp và bầu 17 người vào Ban Chấp hành; Ban Thường vụ có nhà văn Nguyễn Tuân - Tổng thư ký, nhà thơ Tố Hữu - Phó tổng thư ký. Nơi đây, tấm bia lịch sử với những dòng chữ tuy nhuốm màu thời gian nhưng luôn gợi lên những sự kiện gắn với những năm tháng của Hội Văn nghệ kháng chiến, lưu giữ bao hình ảnh, bao ký ức và những giá trị lịch sử còn mãi với thời gian.
Bức thư gửi Bầm bằng thơ
Khung cảnh vùng trung du Gia Điền đối với các văn nghệ sĩ là một bức tranh thơ mộng, hữu tình, luôn gợi lên trong tâm hồn họ cảm hứng sáng tác. Đặc biệt, những ngày tháng ở Gia Điền, ở trọ tại nhà bầm Nguyễn Thị Gái, gần nơi có tấm bia ngày nay, các văn nghệ sĩ luôn nhận được sự đùm bọc, che chở và giúp đỡ của cụ Gái cùng người dân nơi đây. Tình cảm đồng chí, đồng bào đã chan hòa vào tình yêu quê hương đất nước để lại những ân tình không bao giờ phai nhạt. Đến hôm nay, mỗi khi nhắc đến Gia Điền, có lẽ trong tâm tưởng của mỗi người luôn nhớ rằng, nơi đây ra đời một bức thư viết bằng thơ của nhà thơ Tố Hữu. Bức thư đặc biệt ấy được nhà thơ Tố Hữu viết ngay tại nhà cụ Nguyễn Thị Gái để an ủi, động viên cụ sau bao đêm mưa dầm gió bấc, cụ nằm dưới bếp, trên tấm đệm lá chuối khô để nhường nhà trên cho các cán bộ văn nghệ, cụ khóc hằng đêm vì thương nhớ người con trai ra chiến trường mà lâu rồi không có thư từ, tin tức gì. Cụ Gái lo lắng vì biết đâu, giữa chiến trường đạn bom ác liệt, sự hy sinh là điều không tránh khỏi. Biết được điều đó, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ Bầm ơi, giả gửi thư về cho bầm Gái. Khi đọc cho bầm nghe, bầm xúc động nghẹn ngào và nở nụ cười hiền hậu vì yên tâm con trai vẫn bình yên nơi chiến trường.
Ông Trần Hữu Nghĩa, nguyên Giám đốc Bệnh viện tỉnh Phú Thọ, người sinh ra và lớn lên ở thôn Gốc Gạo, xã Gia Điền kể rằng: “Thời thơ bé, tôi đã được nghe bố mẹ đọc cho nghe bài thơ Bầm ơi và được chứng kiến các văn nghệ sĩ về Gia Điền hoạt động, phục vụ kháng chiến”.
Tưởng rằng, bức thư bằng thơ ấy chỉ dành riêng cho bầm Gái thôi nhưng ai ngờ rằng, ngoài chiến trường xa xôi, ác liệt khắp các chiến khu Việt Bắc, những chiến sĩ chiến đấu xa nhà đã chép bài thơ để gửi về cho mẹ của mình ở quê nhà đang ngày đêm mong tin con. Bài thơ được sáng tác theo thể thơ lục bát, chia làm 7 khổ thơ, hình ảnh chủ đạo trong bài thơ là người mẹ trung du được nhà thơ gọi với cách xưng danh thân thương, gần gũi theo cách gọi của địa phương “Bầm”:
“Bầm ơi có rét không bầm?/Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn/Bầm ra ruộng cấy bầm run/Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non/Mạ non bầm cấy mấy đon/Ruột gan bầm lại thương con mấy lần/Mưa phùn ướt áo tứ thân/Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!..”.
 |
Địa điểm tổ chức đại hội đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam tại xã Yên Kỳ (Hạ Hòa, Phú Thọ). |
Để rồi, ân tình ấy đã hòa vào tình cảm gia đình, tình yêu đất nước của bao chiến sĩ, bao người của những năm tháng kháng chiến gian khổ mà nghĩa tình và cho đến hôm nay: “Con ra tiền tuyến xa xôi/Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền/Nhớ thương con, bầm yên tâm nhé/Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân/Con đi xa cũng như gần/Anh em đồng chí quây quần là con/Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí/Bầm quý con, bầm quý anh em”.
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, người con trai của bầm Nguyễn Thị Gái trở về quê hương Gia Điền trong niềm vui khôn xiết của ngày đoàn tụ. Sau này, anh công tác, phục vụ trong quân đội và gia đình bầm Gái luôn được đón nhà thơ Tố Hữu cùng các cán bộ văn nghệ kháng chiến về thăm như những cuộc trở về ngôi nhà bình dị, thân thương để gặp lại người Bầm của mình. Và nơi đây, Gia Điền ân tình và thơ mộng đã ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật để lại dấu ấn trong đời sống văn học như "Những người ở lại" của Nguyễn Huy Tưởng, "Vượt lên bão táp" của Nam Cao, "Phố mới" của Kim Lân, "Dãy người" - thơ của Nguyên Hồng, "Vỡ tỉnh" của Tô Hoài, "Nhận đường" - tùy bút của Nguyễn Đình Thi, "Núi yên ngựa" của Ngô Tất Tố… cùng nhiều tác phẩm hội họa, âm nhạc có giá trị.
Nghĩa tình Chu Hưng
Rời địa danh Yên Kỳ, chúng tôi trở lại Chu Hưng, địa điểm cách Gia Điền chừng 3km. Chu Hưng là thôn làng thuộc xã Ấm Hạ (Hạ Hòa). Nơi đây, cùng với Gia Điền cũng là địa điểm dừng chân, hoạt động văn nghệ của đông đảo các văn nghệ sĩ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Có một thời, làng Chu Hưng được ví như một không gian của Hà Nội thu nhỏ bởi nơi đây không chỉ có các văn nghệ sĩ kháng chiến mà còn là địa điểm sơ tán của người dân miền xuôi, trong đó, phần đông là cư dân Thủ đô. Khi đến Chu Hưng, người dân mang theo những nghề truyền thống để tiếp tục mưu sinh, mang theo những dư vị ẩm thực của Hà Nội để mở hàng quán. Nhiều người đã được sinh ra và lớn lên ở Chu Hưng, sau 9 năm kháng chiến, theo cha mẹ rời mảnh đất này về Hà Nội và mang theo bao ký ức, bao niềm thương, nỗi nhớ trung du.
Trong hành trình cùng với đoàn văn nghệ sĩ về Phú Thọ ngày ấy, có gia đình nghệ sĩ Lưu Quang Thuận cùng với vợ là bà Vũ Thị Khánh. Ban đầu gia đình ở cùng đoàn văn nghệ sĩ tại thôn Gốc Gạo, xã Gia Điền, sau đó chuyển ra khu Ao Châu (Ấm Thượng cũ, nơi có các họa sĩ hoạt động) rồi chuyển về Chu Hưng (Ấm Hạ). Tại Gia Điền, ngày 17-4-1948, vợ chồng nghệ sĩ Lưu Quang Thuận đã sinh thành người con trai cả và đặt tên là Lưu Quang Vũ, sau này trở thành nhà thơ, nhà viết kịch tài ba của nền văn học Việt Nam hiện đại. Mấy năm sau, gia đình nghệ sĩ Lưu Quang Thuận tiếp tục sinh hạ hai người con trai là Lưu Quang Hiệp, Lưu Quang Điền. Về sau, tên địa danh “Chu Hưng” đã được nghệ sĩ Lưu Quang Thuận lấy để đặt tên cho cháu nội của mình là Lưu Chu Hưng.
PGS, TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học), là con gái của nghệ sĩ Lưu Quang Thuận đã dành những trang viết về người cha kính yêu của mình và nhắc nhiều đến chốn xưa Gia Điền, Chu Hưng (Phú Thọ), trong đó, xúc động trong chuyến về thăm lại Chu Hưng xưa vào tháng 7-2021: “Chúng tôi lại đi trên con đường mà cha mẹ chúng tôi đã từng đi cách đây 75 năm. Ngồi ô tô máy lạnh mát rượi chỉ 2 giờ đồng hồ là đến nơi, càng thương sao cha mẹ chúng tôi ngày đó phải trèo đèo lội suối, đi bè đi mảng, đi bộ ròng rã hàng mấy chục ngày mới tới”. Cô thường nhắc tới những vần thơ giản dị mà chan chứa tình cảm kháng chiến của cha mình viết tại Việt Bắc những ngày kháng chiến: “Bài thơ ngắn đem đề lên báng súng/Chiến sĩ hò, em gái, mẹ già nghe/Xin chép lại bài thơ đêm chiến thắng/Thay món quà kháng chiến gửi về quê…" (Quà kháng chiến, Việt Bắc 1948). Cô Lưu Khánh Thơ kể rằng: “Sau này, khi đã có đông con đủ cháu, mỗi năm sinh nhật, con cái muốn tặng quà cho mẹ, thay vì được các con mời đi nước ngoài, tặng những món quà có giá trị, bà chỉ mong muốn các con cho trở lại chốn xưa ngày đi sơ tán”.
“Yêu con suối rồi mới thành lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc”
Mảnh đất Chu Hưng thơ mộng nghĩa tình đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác không chỉ đối với nghệ sĩ Lưu Quang Thuận mà còn là “suối nguồn” vươn ra biển lớn của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Nơi đây, cảnh sắc trung du thanh bình, thơ mộng, tình cảm xóm làng ấm áp, ân tình đã hòa vào tâm hồn cậu bé Lưu Quang Vũ trong những ngày tháng 9 năm kháng chiến cùng gia đình ở lại nơi đây. Khi 15 tuổi, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết bài thơ Thôn Chu Hưng là gửi gắm bao niềm thương, nỗi nhớ của một người cất tiếng khóc chào đời ở miền đất này: “Ơi Chu Hưng đêm nằm nghe suối đổ/Nghe gió ngàn và tiếng hoẵng giữa rừng sâu/Ơi Chu Hưng sắn vùi trong bếp đỏ/Ấm những ngày gian khổ khó quên nhau/Mẹ sinh con vào cuối mùa hoa gạo/Loa chuyển rừng tin thắng trận sông Lô/Bố gửi con mảnh vải dù may áo/Súng nổ dồn đuổi giặc suốt mùa mưa”.
Trong những dòng ký ức của mình, nhà thơ Lưu Quang Vũ luôn dành những trang viết chất chứa bao kỷ niệm tươi đẹp, êm đềm về tuổi thơ nơi núi rừng Chu Hưng: “Đi bộ về Chu Hưng, 8 cây số nữa. Con đường quen thuộc năm xưa mình đã từng đi mãi… Đã bao nhiêu mùa trôi qua, tôi đã có biển, có sông, nhưng con suối nhỏ vẫn là nơi yêu quý nhất. Nó như là cái nguồn, ừ, đây là cái nguồn của hồn tôi. Yêu con suối này trước tiên rồi mới thành lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc” (Di cảo Lưu Quang Vũ, NXB Trẻ, 2018). Trong những sáng tác sau này, hình ảnh trung du ở miền quê Hạ Hòa (Phú Thọ) đã trở đi trở lại trong thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ như một điều gì đó thiêng liêng, gần gũi và ấm áp. Để rồi, khi xa Chu Hưng, nhà thơ Lưu Quang Vũ coi nơi đây là “Con suối nhỏ xuyên rừng nơi ấy/Là ngọn nguồn sông biển yêu thương/Ra biển ra sông còn nhớ mãi/Trắng hoa rừng... ơi Chu Hưng, Chu Hưng!”.
 |
Gia đình cố nghệ sĩ Lưu Quang Thuận, Lưu Quang Vũ thăm Chu Hưng. |
Anh Nguyễn Trường Vũ, sinh viên năm thứ 4 khoa Ngữ văn, trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ: “Em luôn cảm nhận được miền đất trung du Phú Thọ đã là một phần quan trọng làm nên cảm hứng và phong cách nghệ thuật của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ”.
Trở về trên con đường xưa kháng chiến cha mẹ đã đi qua, sáng ngày 12-7-2021, các thành viên trong gia đình cố nghệ sĩ Lưu Quang Thuận, Lưu Quang Vũ đã trở về Chu Hưng để thăm lại vị trí ngôi nhà xưa của gia đình, thăm lại vùng đất từng một thời là cái nôi của văn nghệ kháng chiến. Điều đặc biệt của chuyến đi này là có đông đảo nhất các thành viên trong gia đình trở về với biết bao ký ức và niềm rưng rưng xúc động được gợi về từ trong hoài niệm, con đường, cánh đồng, ngõ xóm, nơi ngôi nhà xưa và cảnh sắc miền trung du yên ả. Chuyến trở về Chu Hưng, Gia Điền giữa cái oi ả của nắng tháng 7 năm đó đã góp phần quan trọng để hoàn thiện bộ phim tài liệu “Người giữ lòng thơ mắt sáng” do Ban Văn nghệ VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.
Ông Phạm Quốc Đại, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ấm Hạ (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết: “Gia Điền, Chu Hưng, Ấm Hạ là nơi lưu giữ những tư liệu quan trọng về một thời văn nghệ kháng chiến, là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.
Trải qua bao tháng, bao năm, cuộc sống ở nôi Văn nghệ kháng chiến xưa đã thay đổi từng ngày. Con đường đất nhỏ năm xưa nay đã trải nhựa thênh thang rộng mở, trường học, nhà cửa được xây dựng khang trang. Mái đền cổ kính dưới bóng đa cổ thụ trầm mặc phủ bóng thời gian. Trên đồi cao, những tán cọ xòe vẫn rì rào gió thổi, những dòng suối dưới chân đồi vẫn róc rách ngày đêm, hoa sở vẫn nở trắng rừng, hoa mua, hoa sim ven rừng vẫn nhuộm tím cả khung trời thương nhớ. Và tiếng gọi bầm, gọi bủ vẫn vang đâu đây trong những ngôi nhà bình yên. Những câu chuyện về một thời văn nghệ kháng chiến nơi đây vẫn được người dân lưu giữ và kể lại cho bao thế hệ. Để hôm nay và mai sau, mỗi người luôn tự hào về quê hương, đất nước, luôn trân quý những giá trị mà cha ông và các thế hệ đi trước đã tạo dựng trong quá khứ, để những ân tình kháng chiến của một thời sống mãi với thời gian.
Bài, ảnh: NGUYỄN THẾ LƯỢNG