Trong thư, Bác Hồ khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Thấm nhuần lời huấn thị của Bác, các thế hệ họa sĩ Việt Nam đã cống hiến tài năng, tâm huyết của mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Mỹ thuật cách mạng bám sát cuộc sống chiến đấu của quân và dân ta

Nền mỹ thuật phục vụ kháng chiến, kiến quốc bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám (1945) đến khi bắt đầu đổi mới (1986). Nhìn tổng quát thì chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (XHCN) là dòng chảy chính của mỹ thuật cách mạng và kháng chiến, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử-xã hội nước ta. Nhìn chi tiết hơn, nền mỹ thuật cách mạng có thể chia thành các giai đoạn với những đặc điểm khác nhau, từ sự tìm tòi, hình thành cho đến phát triển mở rộng.

leftcenterrightdel
      Công chúng tham quan Triển lãm "Ký họa kháng chiến miền Nam", tháng 4-2022.Ảnh: QUANG TẤN.

Giai đoạn đầu tiên là từ Cách mạng Tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến (1945-1946). Đây là giai đoạn chuyển biến cảm xúc và nhãn quan của các nghệ sĩ: Từ chất thơ mộng, yên bình quen thuộc trước cách mạng chuyển sang tính thời sự sinh động. Nếu như trong Triển lãm văn hóa ngày 7-10-1945, tại nhà Khai Trí Tiến Đức, người ta chú ý đến các bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân, “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn, “Cô gái Mường” của Nguyễn Văn Tỵ thì triển lãm tranh Tết Bính Tuất 1946 tại Phòng Thông tin Trung ương, phố Tràng Tiền, những bức tranh nổi bật là “Hồ Chủ Tịch với thiếu nhi” của Lương Xuân Nhị, “Quyết giết được giặc” của Phạm Văn Đôn, “Giải thoát” của Nguyễn Tiến Chung, “Diệt quân thù” của Trương Bính. Vai trò của tranh cổ động thời kỳ này trở thành phương thức tuyên truyền hiệu quả đối với đông đảo quần chúng nhân dân. Trong Triển lãm mỹ thuật tháng Tám ngày 18-8-1946, một số lượng khá lớn tranh cổ động được trưng bày bên cạnh tranh sơn dầu, lụa, sơn mài, bột màu, điêu khắc. Đề tài tranh cổ động chủ yếu là: Tuần lễ vàng, Mùa đông binh sĩ, Bình dân học vụ, Hũ gạo nuôi quân.

Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946-1954) là giai đoạn xác lập vị thế của mỹ thuật kháng chiến và hướng tới chủ nghĩa hiện thực XHCN. Năm 1948, Tổng Bí thư Trường Chinh, trong báo cáo “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam” đã xác định rõ trách nhiệm của các chiến sĩ văn hóa là phải hết mình với kháng chiến, không trung lập, không giữ thái độ bàng quan. Khẩu hiệu đưa ra là “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7-5-1954), đề tài sáng tác trong giai đoạn này chủ yếu là lịch sử (Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp), thực tế lao động sản xuất của nhân dân miền Bắc, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của cả nước, trong đó không thể không nhắc đến những họa sĩ lấy bút vẽ thay súng đi dọc Trường Sơn từ Bắc vào Nam như Thái Hà, Lê Lam và những họa sĩ Nam Bộ như Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu...

Sau khi thống nhất đất nước, nhiệm vụ lớn đối với dân tộc đã hoàn thành, giới mỹ thuật Việt Nam dù vẫn tiếp tục phương pháp hiện thực XHCN nhưng đã bắt đầu có những thử nghiệm mới, tham chiếu mới. Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1976, ngoài các hoạ sĩ miền Bắc và các hoạ sĩ hoạt động trong chiến khu miền Nam, còn có các tác giả sống ở các đô thị miền Nam như Đinh Cường, Nguyễn Trung, Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Phạm Đăng Trí, Hồ Hữu Thủ. Sự cách tân đáng chú ý nhất phải kể đến các họa sĩ từng là những gương mặt tiêu biểu của phương pháp hiện thực XHCN như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng. Những tác giả từng trưởng thành trong kháng chiến, nay giới thiệu cảm thức mới trên nền đề tài hiện thực quen thuộc như “Giặc Mỹ” của Đặng Thị Khuê, “Công nhân đóng giày” của Đỗ Thị Ninh, “Cảng cá Hải Phòng” của Thọ Vân, “Đảo Cát Bà” của Mai San... Những họa sĩ trẻ hơn được đào tạo ở nước ngoài cũng dấn thân tìm tòi cái khác như “Sáng tác” của Lê Huy Tiếp, “Chiến lũy” của Lê Anh Vân.

Ngành điêu khắc có những biến chuyển khá táo bạo về hình thức mà không xa rời cuộc sống, nội dung truyền cảm, mới mẻ, có thể kể đến tác phẩm “Thánh Gióng” của Nguyễn Hải, “Nguyễn Trãi” của Lê Công Thành, “Truyện cổ tích” của Lê Liên, “Mẹ con” của Ninh Thị Đền, “Bác Hồ đi công tác” của Hứa Tử Hoài, “Người mẹ Trường Sơn” của Tạ Quang Bạo...

Giai đoạn thử nghiệm này là tiền đề quan trọng cho sự xuất hiện mạnh mẽ của mỹ thuật thời kỳ đổi mới.

Khai thác giá trị nhiều mặt của mỹ thuật thời kháng chiến

Quan niệm về cái đẹp luôn thay đổi theo không gian và thời gian nhưng không vì thế mà vô thường, phù du. Bởi vì, nghệ thuật luôn gắn liền với lịch sử. Con người không thể quên lịch sử của dân tộc, cộng đồng mình, tức là nghệ thuật không thể và không được phép bị quên lãng. Có những quan niệm mỹ thuật nay không còn phù hợp như chủ nghĩa hiện thực XHCN, nhưng bởi nó gắn liền với những cuộc cách mạng, kháng chiến của đất nước ta nên giá trị của nó cần được khẳng định, khắc ghi.  

Gần đây, thị trường mỹ thuật Việt Nam chứng kiến sự tăng giá bất ngờ của các tác phẩm được sáng tác bởi thế hệ họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đặc biệt là những tác phẩm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thị trường tuy “đỏng đảnh” nhưng không phải không có tạo dựng, tác động. Sự tăng giá của các tác phẩm mỹ thuật thời Pháp thuộc hoặc hậu Pháp thuộc, trong đó có tranh của Lê Phổ, Mai Thứ, được khơi gợi bởi những nhà đấu giá ở nước ngoài, với người bán là những nhà sưu tập nước ngoài (hoặc Việt kiều), người mua phần lớn là những nhà sưu tập Việt Nam và Đông Nam Á.

Cái đẹp của nghệ thuật thời Pháp thuộc dẫu sao vẫn có những đặc sắc của riêng nó. Đối với phương Tây, nó như những con “thú cưng” dễ mến hay một cô gái ngoại lai hương xa (exotic) để người ta tạm thoát ra khỏi không gian nghệ thuật “chính quốc” trong chốc lát. Đối với giới thượng lưu ở Việt Nam, nó là chỉ dấu cho sự sang trọng, đẳng cấp đại gia, vẻ mơ màng duy mỹ từ một thế kỷ trước.

Cái đẹp của mỹ thuật cách mạng là lý tưởng và ý chí hành động, là sự gần gũi với những con người lao động bình dị. Thị trường tranh cách mạng nhiều năm nay vẫn là một phân khúc sinh lời tương đối tốt, nhưng chỉ là sự trao đổi nội bộ trong giới sưu tập trong nước với nhau và một số nhà sưu tập Thái Lan, Singapore. Truyền thông đại chúng gần như không biết có những thương vụ cỡ vài trăm ngàn USD trở lên. Nhiều nhà đầu tư nghệ thuật rõ ràng đã “ngửi” thấy mùi lợi nhuận. Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ cách tạo dựng truyền thông làm sao để công chúng nhận thức về giá trị mỹ thuật cách mạng không hề thua kém mỹ thuật tiền cách mạng, cả chất lượng phẩm mỹ lẫn giá tiền. Liệu cứ phải thông qua các nhà đấu giá nước ngoài với giá ngất ngưởng thì nhân dân mới tin, thế giới mới công nhận? Hay các nhà lý luận-phê bình mỹ thuật phải tạo ra một cách diễn giải mới mẻ và chứng minh nó thuyết phục hơn?

Theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Chính vì thế, cần phải có các hoạt động, chương trình, kết hợp công-tư để tìm cách “thị trường hóa” mỹ thuật kháng chiến, cách mạng. “Thị trường hóa” ở đây chính là khai thác các giá trị mỹ thuật cách mạng kháng chiến, tái tạo qua các sản phẩm văn hóa phù hợp với thời đại. Như vậy, không chỉ bảo tồn mà chúng ta còn có thể phát triển một giai đoạn mỹ thuật có giá trị độc đáo của dân tộc. 

Nhà phê bình VŨ HIỆP