Hiểu đúng nghĩa về “đóng sách”

Định nghĩa về đóng sách, Hiếu cho hay: “Đóng sách đúng hơn là hành động ghép các trang giấy rời của một cuốn sách lại với nhau, sao cho cuốn sách có tuổi thọ lâu nhất có thể, song hành với việc tạo ra một sự thoải mái khi sử dụng. Có lẽ đó là lý do mà các cuốn sách được những bậc thầy bên châu Âu đóng tồn tại được cả ngàn năm”.

“Đóng sách” vẫn còn xa lạ với rất nhiều bạn trẻ, dù rất đam mê đọc sách. Theo Hiếu, nguyên nhân xuất phát từ sự thoái trào của nghề đóng sách bắt đầu từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra. Máy móc được phát minh để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày một gia tăng, và dần thay thế những người thợ lành nghề. Các cấu trúc sách khác được phát minh. Chúng đơn giản hơn nhằm tối ưu hóa năng suất và để phù hợp với khả năng của máy móc.

Với Trần Trung Hiếu, mỗi một cuốn sách nghệ thuật đều phải đẹp từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng. 

Để cuốn sách được bền và đảm bảo sự chắc chắn, Hiếu khâu với chỉ linen dày chuyên dụng, được đóng với cấu trúc phù hợp nhất. Về cách đóng cũng được anh chàng cân đối sao phù hợp giữa độ bền, công năng và thẩm mỹ cho một cuốn sách. 

Trần Trung Hiếu chia sẻ: “Với các cuốn sách cần độ bền cao thì sẽ có chỉ, lớp lót gáy chặt hơn, với các cuốn sách cần có độ mở (tức công năng) tốt thì sẽ nới lỏng ra để sách mở được nằm phẳng 180 độ. Thẩm mỹ của cuốn sách cũng là một yếu tố rất quan trọng, sách có thể dày và cục mịch, đôi lúc lại mỏng nhẹ và thanh thoát. 

Cuốn sách sẽ nói cho chúng ta cách nó muốn được đóng, qua khổ sách và chất lượng giấy, cũng có khi là nguồn gốc. Chất liệu đóng sách được sử dụng nhiều nhất là da dê, một loại vật liệu truyền thống trong ngành đóng sách với sức bền rất tốt. Có thể thấy, sách được tạo nên để tồn tại, rất lâu sau khi người đóng biến mất khỏi thế gian”.

Trung Hiếu nhanh nhẹn giới thiệu cho chúng tôi về cấu trúc của một cuốn sách đóng cơ bản với 14 cấu tạo: Gáy sách,  bìa (trước/sau), đầu/đuôi sách, góc - Corners, cạnh sách (trước, trên, dưới), tờ gác - Endpaper , bảng tiêu đề - Label, gân gáy - Raised band,  tờ gác dán - Paste down, khớp (trong/ngoài) - Hinge, cổ áo/chỉ đầu - Endband,  mũ - Headcap.

Cuốn sách “Các loài chim Việt Nam” của TS Lê Mạnh Hùng do Hiếu đóng và được hoàn thiện hơn 3 tháng.  

Về các công đoạn cơ bản thì lại chỉ vỏn vẹn trong 3 công đoạn: Đánh giá cuốn sách cần được đóng (tình trạng, thông số, cách làm), tháo sách, tạo dựng cấu trúc, bọc bìa, trang trí. Một cuốn sách cơ bản được hoàn thiện sẽ mất khoảng 1 tuần, còn các cuốn phức tạp hơn trong trang trí và thiết kế thì phải vài tuần, có khi vài tháng mới thực hiện được.  

Áp lực nhất chính là việc xử lý các cuốn sách có tuổi đời 100 - 200 năm hoặc là cuốn sách duy nhất còn sót lại. Những cuốn sách như vậy thường nằm trong tình trạng không tốt, cần phải đem đi phục chế đặc biệt. Công việc phục chế cần có kỹ năng và kiến thức bài bản. Do đó, các cuốn sách cần phục chế sẽ được đem vào trong TP Hồ Chí Minh để bàn tay của “bác sĩ sách” làm việc.

Gian truân lắm nghề thủ công

Tình cờ bắt gặp được một tài liệu cũ về một xưởng đóng sách truyền thống ở Dublin (Cộng hòa Ireland) - họ có những người thợ làm sách chuyên nghiệp đóng và phục chế những cuốn sách cổ. Hiếu ngay lập tức bị thu hút bởi ngành nghề truyền thống này và càng tìm hiểu thì lại càng mê nó hơn.

Áp lực nhất chính là việc xử lý các cuốn sách có tuổi đời 100 - 200 năm hoặc là cuốn sách duy nhất còn sót lại. 

Thiệt thòi nhất đối với chàng trai trẻ này chính là không có một người thầy giàu kinh nghiệm ở bên để dạy cũng như hướng dẫn sâu sắc mọi khía cạnh về nghề. “Đây không phải là một ngành nghề được coi là truyền thống ở nước mình, mà là của các nước châu Âu và Trung Đông. Nghề đóng sách đến với nước mình bởi người Pháp và khi người Pháp bại trận thì nghề này cũng chết dần. Những người thợ Việt vẫn có thể đóng sách, song tiêu chuẩn ngày một thấp dần và còn trải qua nhiều cuộc chiến tranh nữa khiến sau này không còn ai có khả năng đóng một cuốn sách chuẩn theo kiểu Pháp. Cho đến hiện tại thì vẫn không có thợ nào trong nước có thể đạt tới trình độ này, bạn phải bắt đầu với vốn kiến thức tài liệu bằng không, đồ đạc dụng cụ để làm nghề cũng không hoặc rất hiếm. May mắn là vốn ngoại ngữ của mình khá tốt, đủ để tiếp cận các tài liệu hướng dẫn về đóng sách của nước ngoài”, Trần Trung Hiếu chia sẻ.

Chính những khó khăn đó lại khiến Hiếu càng cảm thấy hứng thú hơn với nghề. “Ngành đóng sách có vốn kiến thức cực rộng và như một thiên đường giúp chúng ta có thể đắm mình trong kho tàng tri thức hấp dẫn. Sau khi đã phát triển lòng yêu mến với nghề thì mình lại muốn đưa nghề này về với Việt Nam, mình muốn các thế hệ sau mình được tiếp cận với đóng sách thủ công, cũng như được giữ gìn các cuốn sách cổ mà các ông cha để lại”, Hiếu nói. 

Trong vài năm trở lại đây thì nghề đóng sách đã có sự quay trở lại rất đáng mừng tại Việt Nam, có lẽ bắt đầu từ những ấn bản sách đặc biệt của các nhà sách như Đông A và Nhã Nam. 

Thiệt thòi nhất đối với chàng trai trẻ này chính là không có một người thầy giàu kinh nghiệm ở bên để dạy cũng như hướng dẫn sâu sắc mọi khía cạnh về nghề. 

Trần Trung Hiếu cũng khẳng định rằng: “Chừng nào niềm đam mê với tri thức của nhân loại còn tồn tại thì sách và nghề đóng sách sẽ vẫn đi song song. Cho dù ở thế giới số hóa như hiện tại sách đã có những hình thức mới mẻ hơn thì một cuốn sách thật cầm trên tay vẫn luôn là một điều tuyệt vời. Các bạn trẻ bây giờ có cơ hội mà các ông cha ta trước giờ chưa từng có, đó là cơ hội được tiếp xúc với tất cả các kiến thức trên thế giới chỉ thông qua Internet. Nghề đóng sách cũng đã chuyển sang từ một nghề mang tính "công nghiệp" thành một ngành nghệ thuật thực thụ với các nghệ sĩ trên toàn thế giới, mỗi người một vẻ. Mình tin rằng các bạn trẻ Việt Nam một ngày không xa cũng sẽ ghi dấu mình trên các đấu trường quốc tế về nghề đóng sách này”.

Nói đến việc theo đuổi đam mê nghề thủ công truyền thống, Hiếu nghẹn lòng: “Muốn theo đuổi nghề thủ công mang tính “hàn lâm” như đóng sách này thì bắt buộc phải có một lòng kiên trì, sẵn sàng hy sinh. Thêm nữa là phải có một đầu óc nhạy bén và khả năng học hỏi không ngừng. Các bạn cũng sẽ phải tự lập rất nhiều, trong việc tìm kiếm nguồn kiến thức, khám phá, thử nghiệm cũng như tự xây dựng các dụng cụ của mình”.

Chỉ đến khi được tự tay đóng những cuốn sách thủ công, Hiếu mới có thể thỏa mãn được nhu cầu sáng tác, lao động chân tay và lao động trí óc, thậm chí có rất nhiều kiến thức để học hỏi. Nghề đóng sách cũng như là một liệu pháp tâm hồn đối với Hiếu có những công đoạn cảm giác như đang thiền vậy. 

 

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC