Đó là câu chuyện nức lòng về cha của người học viên sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ông nội là Huỳnh Văn Đó, người du kích Nam Bộ, vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; bố là Huỳnh Văn Kết, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam, thương binh hạng 1/4; anh trai là Huỳnh Mi, Trung úy công an đang công tác trên chính mảnh đất quê hương - xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, còn bản thân hiện đang là học viên Trường Sĩ quan Chính trị. Đó là điều đáng trân trọng và tự hào. Tuy nhiên, đằng sau niềm vinh dự ấy, ít ai biết rằng, gia đình của Hợp đã trải qua biết bao khó khăn, sóng gió, thậm chí có lúc tưởng như không thể gắng gượng được.

leftcenterrightdel
Thương binh Huỳnh Văn Kết thăm con trai tại Trường Sĩ quan Chính trị. 

Vào một ngày cách đây hơn 3 thập kỷ, ấy là năm 1988, khi còn là một chàng trai trẻ nhiệt huyết, xốc vác, bởi mong muốn được cống hiến cho Tổ quốc theo tấm gương của cha, ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời, người thanh niên Huỳnh Văn Kết đã xung phong nhập ngũ và đăng ký tham gia Quân tình nguyện Việt Nam, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1990, trong một trận chiến đấu với quân Pol Pot, trên đường hành quân cơ động, đồng chí Kết đã bị thương rất nặng, mãi mãi mất đi đôi chân do dính phải mìn chống bộ binh K58.

 Đến năm 1992, thương binh Kết bén duyên với người bạn đời Trần Thị Phụng. Mặc dù biết hoàn cảnh của người chồng tương lai là vô cùng khó khăn, nhưng chính bởi sự khâm phục về đức tính giản dị, chịu thương chịu khó, nhất là ý chí, nghị lực, của một thương binh “tàn nhưng không phế”, chị Phụng đã gửi trọn niềm tin, nguyện “đồng cam cộng khổ”, cùng nhau vượt qua khó khăn để xây dựng gia đình hạnh phúc với 4 người con 2 trai, 2 gái. Nói về những nỗi đau đã phải trải qua và cuộc hôn nhân của mình, chú Huỳnh Văn Kết chia sẻ: “Sẽ không ai có thể đánh bại chúng ta nếu mỗi người còn ý chí. Chiến tranh đã lấy đi của tôi một phần cơ thể, dẫu đó là mất mát không gì có thể bù đắp, nhưng nghị lực thì vẫn còn đó. Một mái ấm yên vui, một người vợ hiền và những đứa con ngoan là món quà vô giá mà bản thân luôn quý trọng. Tôi cũng rất biết ơn sự quan tâm, những chính sách mà Đảng, Nhà nước, Quân đội đã dành cho gia đình”.

Những ai đã từng nghe ca khúc “Mùa Xuân” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chắc hẳn sẽ không thể nào quên một câu ca tựa như lời khẳng định: “Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”, cùng với đó là một câu hỏi dường như không có lời đáp ở cuối bài hát “Ôi! Ngày ấy sẽ đến, anh sẽ về phải không anh?”. Hơn ai hết, mỗi người dân Việt Nam đều nhận thức sâu sắc được giá trị của hòa bình hôm nay phải đánh đổi bằng những gì. Nhưng khát vọng độc lập, tự do đã thôi thúc biết bao lớp người tình nguyện gác lại thanh xuân, mơ ước, hoài bão để dấn bước lên đường với lời hẹn ước “Ngày về bình yên”. Cha của Huỳnh Văn Hợp cũng nằm trong số đó.

Tuy nhiên, lời hứa ấy đã vĩnh viễn không trở thành hiện thực khi người thanh niên vạm vỡ, khỏe mạnh ngày nào trở về trong vòng tay mẹ với một hình hài không còn vẹn nguyên “Nhìn thấy mẹ khóc lịm người vì xót xa cho giọt máu của mình, tôi cảm thấy lòng mình thật đớn đau, nhức nhối. Nhưng ở thời điểm đó thì ai cũng vậy, đã ra đi là không thể biết trước ngày về sẽ ra sao. Tôi được đoàn viên cùng gia đình đã là may mắn lắm rồi. Bởi lẽ, vẫn còn biết bao đồng đội cùng lên đường ngày ấy đến nay vẫn rải rác mồ viễn xứ, chưa thể trở lại với quê hương. Nếu được lựa chọn lại một lần nữa, quyết định của tôi vẫn không thay đổi. Cũng chính vì truyền thống gia đình mà tôi luôn động viên các con phấn đấu cống hiến trong lực lượng vũ trang”, Thương binh Huỳnh Văn Kết tự thuật.

leftcenterrightdel

 Hạ sĩ Huỳnh Văn Hợp (người thứ 2 từ bên phải sang) hát cùng đồng đội.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất bên cha, Huỳnh Văn Hợp cho biết: “Lúc nhận thức của em về cuộc sống còn non nớt, nhìn thấy cơ thể không lành lặn của cha, em thấy vô cùng lạ lẫm, thậm chí sợ sệt. Sau này, qua những câu chuyện của bà, của mẹ, em mới dần nhận ra rằng, sự mất mát ấy thật cao cả và rất đỗi tự hào”.

Lặng đi một hồi, Hợp tiếp lời: “Đã không ít lần, nhất là khi trái gió trở trời, ánh mắt cha vằn vọc, mặt đỏ bừng bừng, làn môi mím chặt thâm tím, hai hàm răng nghiến vào nhau kêu ken két, đôi bàn tay siết chặt như muốn nghiền nát mọi thứ xung quanh… Dẫu chẳng nói một lời, nhưng em biết, cha đang cố nuốt trọn cơn đau một mình”.

Sau những giây phút lắng đọng, Huỳnh Văn Hợp dần cân bằng cảm xúc và khẳng định: “Nếu cha không phải là người kiên cường, nếu mẹ không sẵn sàng hy sinh, gắn bó, chia ngọt sẻ bùi thì chắc chắn, em sẽ không có cơ hội để nhìn thấy thế giới tươi đẹp này. Còn hai chữ bình yên trong lời hứa ngày nào của cha không dành cho riêng ai, mà đó chính là sự bình yên của Tổ quốc, của non sông, đất nước mình”.

Bài và ảnh: VŨ VĂN QUỐC