Gần đến kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Lợi, phường Ba Láng cùng các hội viên ra Nghĩa trang liệt sĩ TP Cần Thơ để quét dọn vệ sinh, nhổ cỏ, tạo cảnh quan môi trường. Với ông Lợi đây là một ngày hết sức đặc biệt. “Dẫu có công chuyện gì đi chăng nữa, nhưng cứ gần đến ngày 27-7 tôi đều tranh thủ ra đây, trước tiên là dâng hương anh linh các liệt sĩ, sau đó là chăm sóc các phần mộ. Tôi rất hiểu được sự mất mát lớn lao của các gia đình có người thân hy sinh trong chiến tranh. Họ không có điều kiện vào đây chăm sóc mộ phần cho người thân, do đó mình còn sống thì phải làm những việc có ý nghĩa. Mong sao các chú, các anh nằm dưới mộ sẽ được yên lòng hơn”, ông Lợi chia sẻ.
 |
Cán bộ, hội viên cựu chiến binh thắp hương các phần mộ liệt sĩ không biết tên. |
 |
Cựu chiến binh quận Cái Răng chăm sóc các phần mộ tại nghĩa trang. |
Với tâm nguyện tri ân, tưởng nhớ đến đồng chí, đồng đội, mỗi năm bà Hồ Thị Ái Vân, Trưởng ban liên lạc Cựu tù kháng chiến phường Thường Thạnh (quận Cái Răng) lại đến thắp hương, thắp nến tại các phần mộ liệt sĩ chưa biết tên tại nghĩa trang. May mắn được sống trong cảnh thanh bình, hơn ai hết bà Vân càng hiểu rõ giá trị của cuộc sống hôm nay. “Năm nào cũng tham gia những hoạt động tại nghĩa trang, nhưng cứ mỗi lần đến đây tôi đều rất cảm động, không nén nổi lòng mình. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hai năm vừa qua không tổ chức, vì vậy năm nay có rất nhiều hội viên cùng tham gia các hoạt động. Chúng tôi sẽ cố gắng làm nhiều việc tốt, thiết thực hơn nữa với các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, tuổi trẻ để đem lại cuộc sống bình yên cho các thế hệ hôm nay”, bà Vân xúc động nói.
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội CCB quận Cái Răng, Nghĩa trang Liệt sĩ TP Cần Thơ có hơn 5.000 phần mộ liệt sĩ, trong đó có 810 liệt sĩ chưa xác định được danh tính, tuổi, quê quán. Để tri ân các liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này, năm 2013, được sự cho phép của các cấp lãnh đạo, Hội CCB phường Ba Láng chính thức nhận chăm sóc các phần mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính tại nghĩa trang. Cùng với các hoạt động chỉnh trang khuôn viên, tu sửa các phần mộ, vào dịp kỷ niệm 27-7 hằng năm, cán bộ, hội viên còn cùng nhau đóng góp để tổ chức “Mâm cơm cúng đồng đội” ngay tại nghĩa trang. Bắt đầu từ Hội CCB phường Ba Láng, sau đó “Mâm cơm cúng đồng đội” đã lan rộng thành phong trào trong toàn quận Cái Răng. “Lúc đầu mâm cơm rất đơn giản, về sau mỗi người đóng góp một ít nên ngày càng đầy đủ, ấm cúng. Tất cả đều thể hiện sự nhiệt thành, tùy điều kiện mà có thể góp tiền, hoặc sản vật của chính gia đình mình. Lễ cúng mâm cơm được tổ chức trang trọng. Ai đến dự cũng đều chỉnh tề, tâm thế trang nghiêm, phút giây thể hiện lòng kính trọng, sự tri ân đến những người đã không tiếc máu xương cho Tổ quốc”, ông Dưng bày tỏ.
 |
Cựu chiến binh quận Cái Răng dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. |
 |
Cán bộ, hội viên trang nghiêm bên “Mâm cơm cúng đồng đội”. |
Được gặp nhau trong không khí đầm ấm, các hội viên thường nhắc nhớ những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội. Đây còn là câu chuyện thực tế, sinh động để giáo dục các thế hệ lớn lên trong hòa bình biết nhớ ơn, biết sống xứng đáng với những hy sinh không gì bù đắp nổi của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc. Anh Ngô Thanh Phương, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Dân quân thường trực phường Ba Láng, chia sẻ: “Năm nay là năm thứ 6 tôi tham gia cùng các chú cựu chiến binh để chăm sóc các mộ liệt sĩ và dự lễ “Mâm cơm cúng đồng đội”. Được tham gia các hoạt động rất ý nghĩa và nhân văn sâu sắc như vậy tôi rất cảm động. Hoạt động này không chỉ thể hiện lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với các lớp cha anh đi trước, mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên, cùng nhau quyết tâm phấn đấu để chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.
Ông Trần Hùng, Phó chủ tịch Hội CCB TP Cần Thơ, cho biết: “Từ mô hình “Mâm cơm cúng đồng đội” của Hội CCB quận Cái Răng, đến nay các địa phương như: Bình Thủy, Ôn Môn, Thốt Nốt cũng đã xây dựng hiệu quả mô hình này. Duy trì đều đặn “Mâm cơm cúng đồng đội” hằng năm còn là cách bồi dưỡng sức mạnh tinh thần của người dân địa phương, để nhiều người cùng tưởng nhớ tới những anh hùng liệt sĩ đã quên mình vì nghĩa lớn. Đây là việc làm rất ý nghĩa, mang tính giáo dục cao, trước hết là giáo dục bản thân mình cũng như mỗi cán bộ, hội viên đang sống ngày hôm nay”.
“Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc đã và đang được mỗi cán bộ, hội viên Hội CCB quận Cái Răng, TP Cần Thơ vun đắp. Tinh thần tương thân tương ái, tri ân dành cho đồng chí, đồng đội mình bằng cả tấm lòng qua những việc làm cụ thể, thiết thực của mỗi CCB ngày càng khẳng định vai trò tiên phong, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn được phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương, tô thắm bức tranh thấm đậm ấm tình đồng đội.
Bài và ảnh: LƯU QUANG ĐỨC