Bộ phim đã để lại ấn tượng sâu sắc với độc giả bởi hành trình nhiều năm chờ đợi và đi tìm những chứng thực để chứng minh quân nhân Đặng Thành Tuấn hy sinh trong những năm chiến tranh chống Mỹ của thân nhân người chiến sĩ này.
Để có nền hòa bình, độc lập, thống nhất như ngày hôm nay, máu xương của biết bao chiến sĩ đã đổ, thân xác các anh đã nằm lại đất mẹ. Đất nước đã thống nhất gần 50 năm nhưng nỗi mất mát, đau thương vẫn còn hằn trong trái tim của những thân nhân các anh hùng, liệt sĩ.
 |
Một cảnh trong phim "Niềm tin". |
Lá đơn nhập ngũ viết bằng máu
Bộ phim xoay quanh câu chuyện của một gia đình đi tìm các thông tin liên quan để chứng minh cho thân nhân của mình đã hy sinh là quân nhân Đặng Thành Tuấn, ở Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Đoàn 1360, Bộ tư lệnh Pháo binh năm 1962.
Quân nhân Đặng Thành Tuấn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bà nội là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và bố là Bí thư Đảng ủy xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Khi đó với một gia đình cách mạng như thế, Đặng Thành Tuấn mới 13 tuổi được tập kết ra Bắc. Sau khi tập kết ra Bắc, Đặng Thành Tuấn đi học ở các trường dành cho học sinh miền Nam. Năm 1965, ông Đặng Thành Chơn là chú của Đặng Thành Tuấn ra Bắc công tác báo tin cho Đặng Thành Tuấn biết rằng, bố và cô ruột bị địch sát hại.
Nhận được tin đó, Đặng Thành Tuấn đang học ở Thái Nguyên mới viết đơn xin nhập ngũ để về miền Nam chiến đấu. Trong điều kiện lúc đó, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nên không khuyến khích những trường hợp có hoàn cảnh gia đình như Đặng Thành Tuấn nhập ngũ.
 |
Giấy chứng nhận gia đình quân nhân. |
Thêm nữa, nếu có bố, mẹ đã hy sinh thì lại càng không được nhập ngũ, đó là tính nhân văn của Đảng ta, Nhà nước ta ngay cả trong những năm chiến tranh. Với lòng yêu nước sâu sắc, Đặng Thành Tuấn không còn cách nào khác là viết đơn bằng máu xin nhập ngũ. Người chiến sĩ quả cảm đã lên đường hành quân vào Nam. Trên đường hành quân đến trạm T10 ở Kon Tum thì Đặng Thành Tuấn bị sốt rét và hy sinh. Do điều kiện chiến tranh và người chính trị viên của đơn vị khi đó cũng bị hy sinh nên giấy tờ liên quan đến quân nhân Đặng Thành Tuấn bị thất lạc và danh sách 59 chiến sĩ hy sinh khi đó có tên người quân nhân này lại bị Mỹ lấy mất.
Thân thể người quân nhân đã hòa vào đất mẹ nhưng gia đình không nhận được tin tức gì về anh và khi chiến tranh đã kết thúc, những người thân vẫn ngày ngày mong ngóng anh trở về.
Trong phim, ông Đặng Thành Biên, thân nhân của quân nhân Đặng Thành Tuấn bày tỏ: “Sau chiến tranh, tôi thấy nhiều người lính trở về nhà, người thì về bằng xương bằng thịt, người thì về qua tấm bằng Tổ quốc ghi công. Riêng anh Đặng Thành Tuấn thì chưa thấy thông tin gì”.
Không nguôi nỗi nhớ anh, ông Đặng Thành Kiệt cũng là thân nhân của quân nhân Đặng Thành Tuấn vẫn hy vọng rằng, anh Tuấn bị ốm đau hoặc thương tật đâu đó hoặc vì nhiệm vụ đặc biệt nào đó mà chưa thể về nhà.
Từ ngày quân nhân Đặng Thành Tuấn ra đi, cánh cổng ngôi nhà luôn rộng mở, những người em vẫn hàng ngày mong ngóng anh Hai mình trở về nhưng rồi mọi thứ dường như chìm vào vô vọng.
Những năm 1980, gia đình mới tập hợp thông tin và đi hỏi tin tức về quân nhân Đặng Thành Tuấn qua những cựu chiến binh, chính quyền sở tại và những đơn vị quân đội. Nhưng tất cả các nơi đều trả lời rằng không có thông tin lưu trữ nên rất khó để chứng minh quân nhân Đặng Thành Tuấn còn sống hay đã hy sinh.
Bày tỏ cảm xúc khi thực hiện tác phẩm điện ảnh này, Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Phó giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân cho biết: Tôi thật sự rất xúc động với câu chuyện của bộ phim “Niềm tin”. Đó là câu chuyện của gia đình ông Đặng Thành Biên-một gia đình có bề dày truyền thống cách mạng, anh trai của ông Đặng Thành Biên là Đặng Thành Tuấn, mặc dù đã được đưa ra Bắc học tập nhưng khi nghe tin cha bị địch giết hại dã man, anh đã viết đơn bằng máu để tình nguyện trở về Nam chiến đấu. Khi chiến tranh kết thúc, gia đình chờ mãi không thấy anh Tuấn trở về, cũng không thấy có giấy báo tử. Và từ đó, câu chuyện của hành trình niềm tin bắt đầu. Gia đình với niềm tin sắt đá rằng anh Tuấn không bao giờ là người phản bội hay đầu hàng, với niềm tin đó, gia đình đã kiên trì hàng chục năm trời tìm kiếm thông tin về quân nhân Đặng Thành Tuấn, nhưng nguồn thông tin vẫn bặt vô âm tín cho đến khi họ tìm được bản danh sách liệt sĩ hy sinh của ta bị phía Mỹ tịch thu và sau mấy chục năm họ mới giải mật và đưa lên mạng. Trong bản danh sách đó có tên Đặng Thành Tuấn. Niềm tin đó đã giúp cho gia đình kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc trong hành trình đi tìm kiếm thông tin để xác minh cho quân nhân Đặng Thành Tuấn đã hy sinh trong chiến đấu.
 |
Ngôi mộ gió của quân nhân Đặng Thành Tuấn. |
Chờ đón ngày anh về
20, 30 rồi hơn 40 năm sau chiến tranh, gia đình vẫn không thấy quân nhân Đặng Thành Tuấn trở về. Vì thế, mỗi năm chọn ngày anh nhập ngũ làm ngày giỗ. Vết thương cứ thế hằn sâu trong trái tim người thân khi mỗi lần gia đình lên thắp hương trên ngôi mộ gió của quân nhân Đặng Thành Tuấn.
Giữa lúc gia đình rơi vào cảnh tuyệt vọng, bế tắc vì không tìm được thông tin nào về quân nhân Đặng Thành Tuấn thì luồng thông tin mới nhận được đến với gia đình vô cùng quý giá vào năm 2018, gia đình nhận được bản danh sách thông tin về 59 liệt sĩ hy sinh khi vào Nam chiến đấu mà Mỹ thu giữ hồi đó có tên quân nhân Đặng Thành Tuấn. Nhờ đó mà thông tin về quân nhân này dần sáng rõ sau nửa thế kỷ gia đình tìm kiếm.
Trong tác phẩm điện ảnh “Niềm tin” còn có sự xuất hiện của nhiều cựu chiến binh, mặc dù chưa một lần được gặp mặt nhưng tinh thần sẵn sàng đi vào chiến trường và lá đơn tình nguyện viết bằng máu mãi là hành động vô cùng cao đẹp đã để lại dấu ấn với những cựu chiến binh này từ những năm tháng tuổi trẻ cho đến bây giờ:
Các cựu chiến binh Nguyễn Minh Cẩm, ở Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên; Nguyễn Văn Mót ở Ba Vì, Hà Nội; Đồng Minh Chất (Thái Nguyên) kể rằng: Điều khác biệt ở quân nhân Đặng Thành Tuấn là viết đơn bằng máu xin đi vào Nam chiến đấu. Mặc dù lúc đó, anh là một thanh niên miền Nam được ra Hà Nội đào tạo nguồn lâu dài cho đất nước sau này. Thời điểm đó, khi ở đơn vị, chúng tôi được học tập tinh thần của quân nhân Đặng Thành Tuấn.
Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Phó chính ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã chia sẻ trong phim: “Là một người lính và là người trực tiếp chỉ đạo công tác chính sách nên tôi rất thấu hiểu hoàn cảnh đặc biệt như quân nhân Đặng Thành Tuấn. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, trong danh sách 59 liệt sĩ đã hy sinh có một số quân nhân có trong danh sách cùng với quân nhân Đặng Thành Tuấn đã được công nhận là liệt sĩ. Về vấn đề này, tôi đã chỉ đạo cho Ban chính sách là tiếp tục tìm hiểu các gia đình quân nhân đã được đề nghị là liệt sĩ để xem thử trong hồ sơ mà thân nhân gia đình được công nhận là liệt sĩ đó có tên Đặng Thành Tuấn ở trong danh sách đề nghị công nhận liệt sĩ hay không, nếu có thì tôi sẽ xin phô tô để công chứng bởi đây cũng là căn cứ để chúng tôi xác lập hồ sơ cho quân nhân Đặng Thành Tuấn.
 |
Người thân của quân nhân Đặng Thành Tuấn viếng mộ. |
Là đạo diễn của bộ phim “Niềm tin” và đã từng thực hiện nhiều tác phẩm về đề tài thương binh, liệt sĩ, Thiếu tá Vũ Minh Phương nhận nhiệm vụ thực hiện bộ phim này từ năm 2021. Mọi công tác triển khai và chuẩn bị đều từ một năm nay. Theo kế hoạch đầu tháng 4-2022 triển khai ghi hình và bối cảnh chính của phim được quay ở thị trấn Tăng Bạch Hổ, huyện Hoài Ân, Bình Định, sau đó di chuyển đến nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc. Mặc dù, phải mất nhiều thời gian, công sức để thực hiện nhưng với tác phẩm điện ảnh “Niềm tin”, đoàn làm phim thực hiện với tâm thế và trách nhiệm của những người nghệ sĩ, chiến sĩ với thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương, hy sinh cho nền hòa bình của dân tộc ngày hôm nay.
Xin mượn lời của nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung, Phó giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân để làm phần kết cho bài viết này: Hành trình “Niềm tin” có sự đồng hành của các cơ quan chính sách Quân đội cũng như địa phương, của các tình nguyện viên, các cựu chiến binh, của cả phía Mỹ đã hỗ trợ trong việc cung cấp và xác minh thông tin về quân nhân Đặng Thành Tuấn. Với tất cả những hồ sơ đang từng bước hoàn thành, gia đình tin rằng, quân nhân Đặng Thành Tuấn sẽ được công nhận là liệt sĩ vào một ngày không xa. Anh sẽ trở về với gia đình một cách vẻ vang và đầy tự hào vì đã hy sinh thân mình cho quê hương, đất nước. Thông qua câu chuyện của gia đình quân nhân, bộ phim cũng muốn truyền niềm tin đó đến với các gia đình vẫn còn thân nhân mất tích trong chiến tranh do thất lạc hồ sơ như trường hợp của quân nhân Đặng Thành Tuấn. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những hệ quả của nó vẫn dai dẳng. Vì thế mà chính quyền, các cơ quan chức năng, cùng với người dân vẫn tiếp tục hành trình để góp phần làm vơi đi những nỗi đau đó.
Bộ phim “Niềm tin” sẽ tiếp tục được phát sóng trên các kênh của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình công an nhân dân vào dịp 27-7.
KHÁNH HUYỀN