Ấm lòng từ quỹ đồng đội

Ông Huỳnh Nhật Lâm, Chủ tịch Hội CCB huyện Tân Phú Đông cho biết, hiện nay Hội CCB huyện có hơn 720 hội viên, sinh hoạt tại 35 chi hội trực thuộc. Cùng với việc xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, những năm qua phong trào giúp nhau phát triển kinh tế được thực hiện đều khắp tại các chi hội và nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, hội viên. Nhiều mô hình mới, cách làm hay được triển khai để san sẻ, hỗ trợ cán bộ, hội viên còn khó khăn.

Là một trong những chi hội nhiều năm liền vững mạnh xuất sắc của Hội CCB xã Tân Phú, Chi hội CCB ấp Tân Xuân đã làm tốt công tác vận động các nguồn vốn hỗ trợ để hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình kinh tế hộ gia đình. Theo ông Hồ Văn Luông, Chi hội trưởng ấp Tân Xuân, chi hội hiện có 29 hội viên, trong đó có 6 đảng viên. Phần lớn hội viên đã từng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, đời sống còn nhiều khó khăn. Do vậy, chi hội đã vận động các nguồn vốn để hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, hội viên.

Theo đó, có 3 nguồn vốn được duy trì thường xuyên là: Quỹ đồng đội, quỹ nghĩa tình và quỹ góp vốn xoay vòng; trong đó quỹ đồng đội đã phát huy hiệu quả nhất. Tính từ năm 2016 đến nay, quỹ đồng đội đã thu được hơn 100 triệu đồng và cứ từ 3 đến 6 tháng chi hội sẽ tổ chức họp để xét hỗ trợ cho cán bộ, hội viên khó khăn, mỗi người từ 3-5 triệu đồng. “Số tiền tuy không lớn, nhưng sau khi nhận được sự hỗ trợ nhiều cán bộ, hội viên đã sử dụng để cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh, trồng, ghép bo mãng cầu xiêm, trồng dừa, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Nhờ cần cù chịu khó, mức sống của cán bộ, hội viên ngày càng nâng lên. Đến nay, Chi hội CCB ấp Tân Xuân không còn hội viên nghèo”, ông Hồ Văn Luông nói.

Hội cựu chiến binh huyện Tân Phú Đông trao gạo tặng bà con nghèo ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Hội viên tiêu biểu phải kể đến CCB Phạm Văn Bảy. Sau khi nhận vốn từ quỹ đồng đội, ông đã tập trung cải tạo, chăm sóc vườn dừa đến nay đã cho trái ổn định, bình quân mỗi năm thu lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Nhiều năm liền, ông Bảy là nông dân điển hình của xã Tân Phú. Cuộc sống gia đình thoát nghèo, ông Bảy còn giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn như mua tặng gạch để xây nhà, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo nhân các ngày lễ, tết.

Nhiều mô hình giúp hội viên vượt khó

Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản của Chi hội CCB ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng cũng đem lại hiệu quả cao. Ông Võ Văn Bườm, Chi hội trưởng ấp Cồn Cống, Chủ nhiệm Tổ hợp tác chia sẻ: “Tổ có 13 thành viên, thường vận động góp vốn xoay vòng không tính lãi. Tiền vốn dùng để mua con giống, sau đó hỗ trợ, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm cho hội viên nào có nhu cầu. Tổ đã giúp nhiều hội viên có điều kiện phát triển sản xuất; đơn cử như CCB Nguyễn Quang Hiệp. Năm 2018 ông Hiệp đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ chăn nuôi mát tay, nhiều năm qua mô hình này này mỗi năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Ông Hiệp còn nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm liền ông Hiệp là điển hình sản xuất giỏi, được Hội CCB, Hội Nông dân xã tặng giấy khen vì đã có thành tích trong lao động sản xuất và hoạt động xã hội”.

Mô hình nuôi ong lấy mật của Hội cựu chiến binh xã Tân Thới giúp nhiều hội viên nâng cao đời sống. 

Mô hình nuôi ong của Hội CCB xã Tân Thới cũng cho kết quả khả quan. Trong những người nuôi ong nổi tiếng có CCB Tăng Văn Hơn, ấp Tân Bình. Từ 3 thùng ong ban đầu, đến nay ông Hơn đã sở hữu hơn 300 thùng ong mật đang cho thu hoạch. Cứ 1,5 tháng ông thu hoạch một đợt với khoảng 150 lít mật, giá bán 160.000 đồng/lít. Bình quân mỗi năm, ông Hơn thu hoạch 8 đợt, sau khi trừ chi phí tiền lãi còn khoảng 150 triệu đồng. Ông Tăng Văn Hơn, chia sẻ: “Mô hình nuôi ong chi phí không cao. Để nghề nuôi ong phát triển, cùng với việc thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp, mỗi ngày tôi thường đi thăm các thùng nhằm phát hiện, ngăn chặn những dấu hiệu như ong chết, sinh nở kém, mật ít, tàn ong xấu. Khi cần thiết phải theo dõi hướng gió, thay đổi vị trí đặt thùng để ong thuận tiện đi hút mật. Đặc biệt, không nên dùng nước đường làm thức ăn cho ong như vậy sẽ làm chất lượng mật giảm đi”.

Được biết, từ năm 2016 đến nay, ông Hơn còn hỗ trợ con giống, chia sẻ kinh nghiệm cho gần 20 hội viên phát triển nghề nuôi ong. Ông Nguyễn Tấn Dũng, ấp Tân Bình, xã Tân Thới, bật mí: “Thấy mô hình nuôi ong hiệu quả nên khi tôi đặt vấn đề thì anh Hơn sẵn sàng giúp đỡ. Ban đầu anh Hơn tặng 1 thùng ong để tôi về nuôi thử. Sau một thời gian nhân đàn, đến nay tôi có gần 200 thùng ong mật cho thu hoạch. Nhờ thu nhập ổn định, gia đình đã xây được nhà kiên cố, khang trang, con cái học hành thành đạt”.

Bên cạnh đó, mô hình giúp nhau xây hồ chứa nước ngọt của Chi hội ấp Gảnh, xã Phú Đông cũng được 100% cán bộ, hội viên tham gia. Bằng hình thức góp vốn xoay vòng, với số tiền phù hợp, hằng tháng chi hội trưởng ấp liên hệ với cơ sở bán vật liệu xây dựng và thợ hồ để nắm bắt giá cả vật tư và công thợ, sau đó thông báo lại cho hội viên. Tùy theo nhu cầu nước sinh hoạt của mỗi gia đình hội viên để xây dựng diện tích hồ phù hợp. Bình quân mỗi hồ chứa nước trị giá gần 2 triệu đồng, số tiền sau đó được trả trong 10 tháng. Với hình thức cuốn chiếu, đến nay ở ấp Gảnh đã xây được 40 hồ chứa nước ngọt cho cán bộ, hội viên.

Hội cựu chiến binh huyện Tân Phú Đông tặng nhà tình nghĩa cho hội viên nghèo ở xã Phú Đông. 

Những năm qua, Hội CCB huyện Tân Phú Đông còn phát huy tinh thần tương thân, tương ái “Lá lành đùm lá rách” bằng việc xây dựng nhà “Đồng đội”, “Nghĩa tình đồng đội”, “Tình nghĩa”. Từ năm 2021 đến nay, Hội đã vận động xây tặng được 2 nhà “Nghĩa tình đồng đội”, mỗi căn từ 30 đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn giúp đỡ cho 87 hội viên nghèo, cận nghèo và khó khăn sử dụng nguồn vốn để sản xuất, chăn nuôi, mỗi suất từ 3-5 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội CCB huyện còn tích cực tham gia vận động, quyên góp tiền của, công sức xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, vận động hội viên hiến đất làm đường, tham gia công tác hòa giải, giữ gìn an ninh trật tự. “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, nhất là các chi hội cơ sở. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành để tìm ra nhiều mô hình mới, cách làm có hiệu quả để phổ biến nhân rộng trong hội viên, phù hợp với từng vùng, từng địa phương”, ông Huỳnh Nhật Lâm, Chủ tịch Hội CCB huyện Tân Phú Đông, khẳng định.

Từ năm 2016 đến nay, Hội CCB huyện Tân Phú Đông đã vận động hỗ trợ xây dựng 55 căn nhà, tổng kinh phí trên 5,3 tỷ đồng, góp phần giải quyết tình trạng khó khăn về nhà ở của hội viên. Hằng năm, vào các dịp lễ, tết, Hội CCB huyện còn tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà cán bộ, hội viên thuộc gia đình chính sách, người có công, số tiền trên 100 triệu đồng.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC