Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo 16 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa chính trị quan trọng với tầm ảnh hưởng rộng lớn. Do đó, ngay từ rất sớm, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, tập trung chuẩn bị công tác lấy ý kiến về dự thảo luật. Dự thảo luật là kết quả của sự đóng góp chung của người dân, nhà khoa học, chuyên gia… và đến nay đạt được nhiều kết quả quan trọng.

leftcenterrightdel

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. 

Khi nói về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật, Phó thủ tướng nêu, dự thảo luật khi trình Quốc hội và sau khi được ban hành, mục tiêu và kỳ vọng đặt ra là tháo gỡ ngay được các khó khăn, tạo ra những đổi mới đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn; phát huy vai trò của bộ luật nhằm thực hiện hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. “Nếu chúng ta làm được điều đó, đây chính là thước đo về năng lực, thể chế hóa các chủ trương của Đảng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. 

Phó thủ tướng nêu rõ, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật như một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn nhân dân, triển khai sâu rộng đến từng thôn xã, tổ dân phố, cơ sở; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, những lo lắng của nhân dân. 

Phó thủ tướng cho rằng, Luật Đất đai có nhiều chính sách quan trọng. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất, hiện nay và xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước và người dân. Làm thế nào để có quy hoạch đảm bảo cùng với các quy hoạch tổng thể quốc gia khác, ngành khác, địa phương các cấp phải trùng nhau, không chồng lấn; có thể phối hợp và tạo điều kiện để quản lý tốt hơn, kế thừa, bổ trợ lẫn nhau.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị.

Đặt ra vấn đề “khi bộ luật đưa ra, giá đất phải sát giá thị trường nhưng tại sao không đuổi được?”, Phó thủ tướng yêu cầu, bài toán đặt ra là xác định đúng giá đất đai, trong đó, tập trung làm rõ làm sao để có chủ trương, phương pháp, thông tin dữ liệu đầu vào đúng. 

Phó thủ tướng cũng gợi mở liên quan đến việc phân cấp mạnh mẽ cho người dân và Nhà nước thực hiện quyền của mình; giải pháp để đất nông nghiệp vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa là không gian sinh thái; vấn đề tập trung đất đai…

Ông Lại Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất tại Điều 60 và tại khoản 7, Điều 65 yêu cầu khi lập kế hoạch sử dụng đất, các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, diện tích để đấu giá quyền sử dụng đất phải xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính. Theo ông Hoàn, quy định này sẽ rất khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhất là các công trình theo tuyến.

leftcenterrightdel

Ông Lại Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đóng góp ý kiến tại hội nghị. 

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã góp ý nhiều vấn đề về quy hoạch đất đai, thu hồi đất, định giá đất, đất tôn giáo, tín ngưỡng...

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các địa phương triển khai lấy ý kiến nhân dân bám sát tinh thần, nghiêm túc, kỹ lưỡng và nhiều hình thức phong phú.

"Việc lấy ý kiến cho thấy các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực, có nơi có hàng nghìn ý kiến, bây giờ chúng ta phải làm sao lắng nghe, phản ánh chính xác ý kiến nhân dân để đưa vào dự thảo luật này", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng khẳng định, Luật Đất đai có tầm ảnh hưởng rộng lớn, ý nghĩa quan trọng, ví như đạo luật gốc, nền tảng mà trên đó sẽ phát triển kinh tế- xã hội đảm bảo quốc phòng- an ninh... Bộ luật này có ý nghĩa quan trọng, đặt ra tư duy quan điểm, chủ trương chính sách mới trong quản lý đất đai, phòng, chống tham nhũng, thực hiện tốt hơn cung cấp các dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính và đảm bảo bình đẳng công bằng tiến bộ.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, việc lấy ý kiến góp ý quan trọng nhất là chất lượng bộ luật khi ban hành ra phải đáp ứng kỳ vọng nhân dân, mỗi người dân đều hiểu và áp dụng được.

Tin, ảnh: LA DUY