Chủ trì hội nghị gồm các đồng chí: Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng.

leftcenterrightdel
 Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết: Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và toàn dân đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và thi hành Luật Đất đai.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vấn đề quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, quá khứ và hiện tại. Ngoài ra, đất đai vừa là môi trường vừa là tư liệu sản xuất rất quan trọng để chúng ta có thể sử dụng cho thế hôm nay và mai sau. Với tính chất phức tạp như vậy bộ Luật Đất đai có thể coi là bộ luật, vấn đề hết sức cơ bản và nền tảng cho sự phát triển kinh tế và khi nói đến luật đất đai thì liên quan đến mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội, mọi người dân. Luật Đất đai có thể coi là một đạo luật gốc trong vấn đề quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết đúng chính sách pháp luật đất đai không chỉ kiến tạo môi trường pháp lý ổn định minh bạch, giải phóng nguồn lực đất đai mà góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững các quyền lợi chính đáng của người dân.

Phó thủ tướng mong muốn những ý kiến góp ý đi thẳng vào chương và điều trong luật. Các chương và điều trong luật chưa thể chế hóa một cách đầy đủ, khoa học, chặt chẽ, khả thi đối với các chính sách đã được Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương ban hành thì mong các đại biểu góp ý để chính sách đó được thể chế hóa một cách đầy đủ và bất cứ người dân nào đọc cũng phải hiểu, tức là về ngôn ngữ có tính đại chúng.

"Đối với quyền sử dụng đất, sở hữu đã được Hiến pháp hiến định và cho đến nay quá trình triển khai Hiến pháp chúng ta không gặp phải khó khăn liên quan đến vấn đề này. Những vấn đề gì không trong quy định của Đảng, Hiến pháp thì chưa đề cập, cần có nghiên cứu, có thực tiễn và thời gian rồi mới bàn đến", Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, GS, TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, tại Điều 155, 156 của Dự thảo, quyền quyết định giá đất cụ thể lại giao cho UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện; thành phần hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cũng không có đại diện của Hội đồng nhân dân (cấp tỉnh, cấp huyện).

Như vậy, Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu nhưng lại giao cho cơ quan hành chính Nhà nước quyết định chứ không phải do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (cơ quan đại diện cho dân) quyết định hoặc được tham gia thành phần hội đồng thẩm định giá đất. Bởi vậy, nên tách riêng quyền đại diện chủ sở hữu và quyền năng quản lý Nhà nước (quản lý xã hội), sau đó thiết kế phân quyền (chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền) cho hai cơ quan tương ứng, quyền đại diện chủ sở hữu thì giao cho Quốc hội, HĐND; quyền quản lý hành chính Nhà nước thì giao cho Chính phủ, UBND các cấp.

Theo Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Văn Tiến, trong những thập kỷ gần đây, tình hình tôn giáo ngày càng phát triển, sự gia tăng về số lượng tín đồ, về nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và hoạt động xã hội, nên các tôn giáo quan tâm hơn việc mở rộng, xây mới các cơ sở tôn giáo, cơ sở xã hội… từ đó phát sinh nhu cầu về sử dụng đất đai. Tình hình phức tạp liên quan đến đất cơ sở tôn giáo đặt ra vấn đề cần phải đổi mới cơ chế, chính sách pháp luật về đất cơ sở tôn giáo để phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay.

Tin, ảnh: LA DUY