Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến; ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp; ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục nuôi trồng thủy sản đồng chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cùng các đại biểu chủ trì hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023. 

Báo cáo cho thấy, năm 2022, ngành hàng cá tra đã triệt để tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là cơ hội về giá nên giá trị xuất khẩu vượt trội so với sản lượng. Đồng thời, sự gia tăng sản lượng trong năm đã góp phần nâng cao giá trị của ngành hàng. Dịch Covid-19 đã khuyến khích phương thức và cách tiếp cận kinh doanh khác so với truyền thống mà ngành hàng đã từng làm trong 20 năm qua. Sản phẩm thay đổi theo hướng chuyển sang tiện lợi hơn, bổ dưỡng hơn...

Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Tính đến hết tháng 11-2022, sản lượng thu hoạch cá tra đạt trên 1,5 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ. Nhu cầu nhập khẩu cá tra của Việt Nam ở hầu hết các thị trường tăng từ 40 đến 200%. Giá trung bình xuất khẩu cá tra phi-lê tăng 28-66%, giá cá tra nguyên liệu cũng tăng từ 27 nghìn đến 29 nghìn đồng/kg, cao hơn 7 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2023, ngành cá tra đặt ra mục tiêu đạt sản lượng thương phẩm 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD. Đồng thời, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tiếp tục nâng cao chất lượng giống cá tra; tăng cường quản lý điều kiện sản xuất và kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm trong công đoạn nuôi; tiếp tục tổ chức hợp tác, liên kết chuỗi; nâng cao năng lực để ứng phó với sự thay đổi của thị trường và tiếp tục phát triển thị trường nội địa và đa dạng hóa sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, quan điểm chung trong phát triển cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long tới đây cần theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn…, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần nhiều giải pháp đồng bộ như liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị, sử dụng hiệu quả phụ phẩm và phát triển thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ bao gồm thị trường xuất khẩu, thị trường tiêu dùng nội địa.

Đặc biệt, phải tập trung nâng cao chất lượng con giống, chất lượng di truyền về một số tính trạng như tăng trưởng, kháng bệnh, chịu mặn.... Cùng với đó là ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch và đưa ra định hướng phát triển thời gian tới một cách hợp lý, không để phá vỡ quy hoạch, không chủ trương mở rộng diện tích quá nhiều nhằm tránh tình trạng “cung vượt cầu”, Thứ trưởng Phùng Minh Tiến nhấn mạnh.

Tin, ảnh: THÚY AN