Trong năm 2022, ngành cá tra cần tận dụng tối đa lợi thế hiệp định thương mại tự do và kiểm soát tốt để tránh trường hợp khủng hoảng như trước đây do phát triển tự do. Qua đó góp phần đạt mục tiêu sản xuất với sản lượng cá thương phẩm đạt 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD… Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 25-2, tại TP Cần Thơ.

Theo báo cáo từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021 dù đối mặt với dịch Covid-19, xuất khẩu cá tra vẫn tăng 8,4% so với 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,61 tỷ USD. Hiện nay, giá cá tra thương phẩm đang ở mức 29.500-30.000 đồng/kg, tăng 4.000-5.000 đồng/kg so với các tháng cuối năm 2021. Theo VASEP, các thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam đang phục hồi và dự báo tăng trưởng tốt trong năm 2022; vì vậy khả năng giá cá tra xuất khẩu sẽ tăng, bởi các chi phí nuôi, vật tư, lao động, logistics… đều tăng.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội nghị

Từ những yếu tố trên, theo Bộ NN&PTNT trong năm 2022, ngành cá tra dự kiến kế hoạch sản xuất với sản lượng cá thương phẩm đạt 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD…  

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đúc Tiến cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là nâng cao chất lượng giống, tăng cường hợp tác liên kết chuỗi với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, tiếp tục triển khai đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Để đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương nâng cao chất lượng giống cá tra, chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm hao hụt, hạ giá thành sản xuất. Các doanh nghiệp và người nuôi tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi để đảm bảo ổn định đầu ra.

Vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất.

Khuyến cáo đến các hộ nuôi chưa tham gia liên kết với doanh nghiệp, tạm thời chưa thả cá lại, tiến hành nâng cấp điều kiện nuôi, tìm hình thức liên kết phù hợp để đảm bảo có kế hoạch sản xuất ổn định, hạn chế rủi ro do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt cần kiểm soát tốt để phát triển ổn định ngành cá tra có lãi tránh trường hợp khủng hoảng như trước đây do phát triển tự do.

Tin, ảnh: THÚY AN