Thị trường xuất khẩu nhiều biến động

Tính đến cuối năm 2017, diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch cá tra Việt Nam (chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long) đều tăng so với cùng thời điểm năm 2016. Ước lượng sản lượng thu hoạch cá tra năm 2017 đạt 1,13 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự báo khoảng 1,75 tỷ USD (tăng 5,5% so với năm 2016).

Báo cáo của VINAPA cho thấy, cơ cấu thị trường xuất khẩu cá tra đã có nhiều biến động, dịch chuyển. Nếu như trong giai đoạn 2007-2017, Mỹ là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, luôn chiếm tỷ trọng khoảng 20-23% thì thời gian gần đây, Trung Quốc nổi lên và sắp vượt qua Mỹ. Đây là thị trường mới nổi, giá trị và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu ngày càng có xu hướng tăng (10 tháng năm 2017 đạt 22,8% tỷ trọng xuất khẩu của cá tra Việt Nam). Thị trường Trung Quốc có thể sẽ dẫn đầu tỷ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2017.

leftcenterrightdel
Người nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long cần được khuyến khích áp dụng các quy trình nuôi trồng bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Mặc dù vậy, ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực VINAPA, cho rằng, thị trường châu Âu (EU) cùng với thị trường Mỹ vẫn là hai thị trường quan trọng của cá tra Việt Nam. “Tính đến tháng 9-2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU đạt 154 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,8%, đứng thứ ba sau thị trường Mỹ và Trung Quốc. Tuy kim ngạch xuất khẩu sang EU sụt giảm (từ 24% của năm 2012 xuống còn 16% trong năm 2016) nhưng đây vẫn là thị trường chính, được xác định cần phải giữ vững để tạo nền tảng phát triển bền vững cho các thị trường khác”-ông Võ Hùng Dũng cho biết.

“Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường EU sụt giảm là do tác động bởi các yếu tố như: Khủng hoảng kinh tế chung trên thế giới, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp quốc tế kinh doanh các loài cá bản địa, các rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm và cả phản ứng thiếu linh hoạt của phía Việt Nam trước truyền thông nước ngoài về hình ảnh tiêu cực của sản phẩm cá tra trong nước”-ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phân tích.

Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam

Theo ông Lê Anh Ngọc, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Chất lượng 1, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, tình hình xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường EU có nhiều thuận lợi. Hiện nay, Việt Nam đã có 475 cơ sở chế biến thủy sản, trong đó hơn 100 cơ sở chế biến cá tra được cơ quan thẩm quyền của EU công nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam nói chung đã thâm nhập tương đối sâu và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường EU. Hiện nay, Việt Nam vẫn là 1 trong 5 quốc gia dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào EU.

“Tuy nhiên, EU luôn có quy định rất cao về an toàn thực phẩm, nhất là thủy sản nhập khẩu. Chất lượng các lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam đã được nâng cao rất đáng kể từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn khiến cơ quan thẩm quyền của EU quan ngại. Do đó, điều này cần được đẩy mạnh truyền thông để tạo ra sự hiểu biết từ các phía”-ông Lê Anh Ngọc cho biết.

Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra gắn với thị trường, nhất là thị trường EU, hiện nay, VINAPA đang tiếp tục thúc đẩy việc cải thiện chất lượng ở các khâu như: Con giống, thương phẩm, chế biến, môi trường; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam; khuyến khích người nuôi và doanh nghiệp tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Ý kiến của nhiều chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hóa chất nhập khẩu sử dụng trong công nghiệp nhằm tránh tình trạng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y không rõ nguồn gốc bị lạm dụng trong nuôi trồng thủy sản; xử lý kịp thời vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh thủy sản; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản áp dụng quy trình quản lý chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm yêu cầu của thị trường và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; tăng cường kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đặc biệt là hóa chất kháng sinh đối với các lô hàng xuất khẩu

Bài và ảnh: HỒNG ĐĂNG